IMF cho phép Ukraine rút thêm 890 triệu USD từ chương trình cho vay

IMF cho biết Ukraine đã đạt được "tiến bộ mạnh mẽ" trong việc đáp ứng các cam kết cải cách, qua đó cho phép Ukraine rút thêm 890 triệu USD trong chương trình cho vay trị giá 15,6 tỷ USD.
Tòa nhà bị phá hủy trong xung đột tại Sloviansk, Ukraine, ngày 27/3/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 29/6, Ban điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hoàn thành đánh giá đợt đầu tiên về chương trình cho vay trị giá 15,6 tỷ USD dành cho Ukraine, cho phép Kiev ngay lập tức rút 890 triệu USD để hỗ trợ ngân sách nước này.

Quyết định trên của IMF sẽ nâng tổng số tiền Ukraine rút theo chương trình khởi động vào ngày 31/3 lên khoảng 3,6 tỷ USD cho đến nay.

IMF cho biết nhà chức trách Ukraine đã đạt được "tiến bộ mạnh mẽ" trong việc đáp ứng các cam kết cải cách trong "các điều kiện đầy thách thức."

Trưởng đại diện IMF tại Ukraine, ông Gavin Gray cho biết IMF sẽ tiếp tục nghiên cứu các tác động xã hội, môi trường và kinh tế của vụ vỡ đập thủy điện Kakhovka đầu tháng 6 này gây lũ lụt trên diện rộng tại Ukraine.

Theo ông Gavin Gray, IMF dự kiến thảm họa vỡ đập Kakhovka có thể khiến giá cả thực phẩm tăng cao và làm tăng tỷ lệ lạm phát của Ukraine.

Dự kiến, đến cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12 tới, IMF sẽ tiến hành đánh giá đợt tiếp theo đối với chương trình cho vay dành cho Ukraine.

Trước đó, ngày 3/4, Ukraine thông báo nhận khoản viện trợ đầu tiên trị giá 2,7 tỷ USD từ chương trình hỗ trợ mới được IMF thông qua.

Trong bài đăng trên Facebook chia sẻ về khoản tiền hỗ trợ mới tiếp nhận, Thống đốc Ngân hàng Quốc gia Ukraine (NBU) Andriy Pyshnyy đã gửi lời cảm ơn tới các đối tác vì sự hỗ trợ nhanh chóng dành cho Kiev.

Quan chức này cho biết Ukraine đang chủ động nỗ lực để vượt qua giai đoạn đánh giá đầu tiên của chương trình và tiếp nhận gói cứu trợ giai đoạn tiếp theo.

[Ukraine huy động khoản tài chính 40 tỷ USD để tái thiết đất nước]

IMF đã thông qua thỏa thuận gia hạn hỗ trợ 48 tháng trị giá khoảng 15,6 tỷ USD theo Quỹ Hỗ trợ Dài hạn (EFF). Chương trình này nhằm củng cố các chính sách đảm bảo ổn định tài khóa, đối ngoại, giá cả và tài chính bền vững cũng như hỗ trợ  Ukraine phục hồi kinh tế.

Trong diễn biến liên quan, ngày 3/4, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã kêu gọi các quốc gia thành viên trong liên minh mỗi năm cùng dành 500 triệu euro hỗ trợ cho Ukraine.

Hãng tin Bloomberg (Mỹ) dẫn các nguồn tin cho biết theo kế hoạch của ông Stoltenberg, các khoản chi này nhằm hỗ trợ Kiev cả trong ngắn hạn và dài hạn, giúp quân đội Ukraine hiện đại hóa vũ khí để đáp ứng các tiêu chuẩn của NATO.

Phó Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine Rostyslav Shurma cho biết nước này đang huy động khoản tài chính lên tới 40 tỷ USD để triển khai giai đoạn đầu tiên trong tiến trình tái thiết nền kinh tế.

Theo ông Shurma, trọng tâm của giai đoạn tái thiết đầu tiên sẽ là ngành sắt và thép vốn đóng góp khoảng 10% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ukraine vào năm 2021, khoảng 30% doanh thu xuất khẩu và tạo việc làm cho khoảng 600.000 người.

Kể từ khi xảy ra xung đột với Nga hồi tháng 2/2022, các nhà tài trợ bên ngoài đã cung cấp 59 tỷ USD nhằm đáp ứng nhu cầu tài chính của Ukraine.

Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính công cuộc tái thiết Ukraine sẽ tiêu tốn khoảng 411 tỷ USD, gấp ba lần GDP của nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục