Hầu hết những thay đổi trong cán cân thương mại song phương trong hai thập kỷ qua chủ yếu do sự kết hợp của các yếu tố kinh tế vĩ mô, trong khi thuế quan đóng vai trò nhỏ hơn nhiều.
Kết luận trên được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra trong nghiên cứu mới đây, công bố ngày 3/4 trong một chương phân tích của Triển vọng Kinh tế thế giới tháng 4/2019.
Để đưa ra kết luận trên, các nhà phân tích kinh tế của IMF dựa trên nghiên cứu của 63 nước trong 20 năm (1995-2015) ở trên 34 lĩnh vực.
Kết quả nghiên cứu cho thấy cán cân thương mại song phương trong hơn hai thập kỷ qua chủ yếu được dẫn dắt bởi các yếu tố kinh tế vĩ mô, trong đó có chính sách tài chính, nhân khẩu học, nhu cầu nội địa, cũng như các chính sách tỷ giá hối đoái và trợ cấp. Dù có tác động nhỏ hơn đối với cán cân thương mại song phương, song thuế quan tác động theo nhiều cách khác nhau.
Nghiên cứu cho thấy khi tăng thuế đối với một số đối tác cụ thể, sẽ giúp một số quốc gia không chịu thuế quan có thể được hưởng lợi. Tuy nhiên, việc đánh thuế mạnh sẽ gây "hiệu ứng dây chuyền" đối với hệ thống thương mại toàn cầu, gây ảnh hưởng đối với kinh tế thế giới.
[IMF: Quyền lực thị trường tập trung vào nhóm nhỏ doanh nghiệp]
Theo các nhà nghiên cứu IMF, việc tăng thuế sẽ đặc biệt tác động tiêu cực đối với sản lượng, việc làm và năng suất không chỉ đối với những nền kinh tế trực tiếp áp thuế và bị áp thuế, mà còn tác động đối với cả bên thứ ba.
Do đó, IMF khuyến cáo các nhà hoạch định chính sách tránh áp dụng các chính sách kinh tế vĩ mô tiêu cực, trong đó có chính sách tài khóa thuận chu kỳ hoặc các lĩnh vực xuất khẩu được trợ cấp nhiều vốn gây ra tình trạng mất cân bằng lớn và không bền vững.
Bên cạnh đó, các nhà hoạch định chính sách cần thúc đẩy thương mại công bằng và tự do thông qua việc tháo gỡ các biện pháp thuế quan hiện hành gần đây cũng như tăng cường các nỗ lực nhằm giảm thiểu các hàng rào đối với thương mại./.