Ngày 27/1, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thông báo chương trình cải tổ hạn ngạch và quản trị do thể chế tài chính này đưa ra cách đây hơn 5 năm đã chính thức có hiệu lực, qua đó cho phép các nền kinh tế mới nổi có thêm tiếng nói hơn cũng như nâng cao vị thế tại IMF.
Trong một tuyên bố, IMF cho biết: "Các điều kiện để triển khai Chương trình Xem xét hạn ngạch tổng thể lần thứ 14 của tổ chức này, qua đó mang lại sự thay đổi mang tính lịch sử và sâu rộng đối với việc quản lý và nguồn vốn cố định của IMF, đã được đáp ứng."
Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc lần lượt sẽ là 3 quốc gia có hạn ngạch đóng góp và quyền lực bỏ phiếu lớn nhất tại IMF; trong khi Ấn Độ, Brazil và Nga cũng nằm trong tốp 10 thành viên có vị thế nhất trong tổ chức tài chính đa phương này.
IMF nhận định việc cải tổ trên cho thấy "một bước tiến lớn" nhằm tạo điều kiện nâng cao vai trò của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.
Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde cùng ngày đã lên tiếng hoan nghênh các nước thành viên đã thông qua kế hoạch cải tổ lịch sử này. Bà Lagarde nhấn mạnh việc cải tổ này sẽ đảm bảo IMF có thể đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các thành viên trong một "môi trường toàn cầu thay đổi nhanh chóng."
Hồi cuối năm ngoái, Quốc hội Mỹ đã thông qua chương trình cải tổ tổng thể của IMF sau 5 năm trì hoãn do lo ngại rằng điều này sẽ làm suy yếu tầm ảnh hưởng và vai trò của Washington tại tổ chức này.
Chương trình cải tổ IMF gồm 188 nước thành viên được tổ chức này thông qua hồi năm 2010 với mục đích cho phép các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ...có tiếng nói lớn hơn trong thể chế này.
Nội dung chính của kế hoạch cải tổ là tăng gấp đôi nguồn tài chính của IMF lên 660 tỷ USD, đồng thời tăng tỷ lệ đóng góp của các nền kinh tế mới nổi và các nước chưa được đại diện xứng đáng trong cơ cấu quản trị tổ chức đa phương này./.