IMF: Các ngân hàng TW đối mặt với sự đánh đổi khó khăn về chính sách

Theo đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nếu lạm phát kéo dài hơn dự đoán hiện tại của giới đầu tư và các nhà hoạch định chính sách, các ngân hàng trung ương sẽ phải đối mặt với sự đánh đổi khó khăn.
IMF: Các ngân hàng TW đối mặt với sự đánh đổi khó khăn về chính sách ảnh 1Trụ sở IMF tại Washington. (Ảnh: Reuters)

Ông Tobias Adrian, Cố vấn tài chính kiêm Giám đốc Ban Thị trường vốn và tiền tệ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây cho hay các ngân hàng trung ương toàn cầu sẽ phải đối mặt với sự đánh đổi khó khăn giữa hỗ trợ đà phục hồi kinh tế, giải quyết lạm phát và duy trì ổn định tài chính giữa bối cảnh triển vọng lạm phát rất bất ổn.

Trả lời phỏng vấn báo giới, ông Tobias Adrian cho biết IMF thực sự hy vọng tình hình lạm phát chỉ là tạm thời. Song mức độ và thời gian lạm phát đã khiến chính IMF cũng phải ngạc nhiên.

Theo Báo cáo Ổn định tài chính toàn cầu do IMF công bố hôm 12/10, trong khi các nhà đầu tư vẫn kỳ vọng áp lực giá gần đây sẽ ở mức trung bình và giảm dần sau đó, họ cũng nhấn mạnh khả năng gián đoạn chuỗi cung ứng và tình trạng thiếu lao động cũng như nguyên vật liệu có thể "dai dẳng hơn dự đoán hiện tại." Những diễn biến này có thể dẫn đến kỳ vọng lạm phát không ổn định.

Ông Adrian nói rằng nếu lạm phát kéo dài hơn dự đoán hiện tại của giới đầu tư và các nhà hoạch định chính sách, các ngân hàng trung ương sẽ phải đối mặt với sự đánh đổi khó khăn trên hai khía cạnh.

Sự đánh đổi đầu tiên là giải quyết tình trạng lạm phát phi mã trong khi nền kinh tế thực tế ở nhiều quốc gia vẫn ở dưới mức trước đại dịch.

[Dịch COVID-19: IMF giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021]

Ông giải thích rằng nếu các ngân hàng trung ương nới lỏng chính sách tiền tệ, điều đó sẽ giúp ích cho nền kinh tế thực nhưng ngược lại cũng có thể “châm ngòi” cho lạm phát leo thang. Còn nếu thắt chặt chính sách, các ngân hàng trung ương có thể kiềm chế lạm phát, song lại tạo ra lực cản cho đà phục hồi kinh tế.

Sự đánh đổi thứ hai là về tính ổn định của hệ thống tài chính. Việc nới lỏng các điều kiện tài chính trong ngắn hạn làm giảm rủi ro tài chính trong hiện tại nhưng lại dẫn đến nợ nần chồng chất và kéo tiêu chuẩn thẩm định bảo hiểm tài chính đi xuống. Điều đó có thể tạo thêm nhiều vấn đề trong trung hạn.

Theo IMF, lập trường chính sách tiền tệ cần được dựa theo hoàn cảnh cụ thể của từng quốc gia, bao gồm diễn biến của đại dịch và không gian chính sách sẵn có, lạm phát và triển vọng kinh tế, rủi ro lan tỏa xuyên biên giới và các cân nhắc về đảm bảo ổn định tài chính.

IMF cho biết các ngân hàng trung ương nên đưa ra hướng dẫn rõ ràng về lập trường chính sách tiền tệ tương lai để tránh việc thắt chặt các điều kiện tài chính một cách không chính đáng, đồng thời giảm thiểu rủi ro biến động thị trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục