Việt Nam đã cho thấy cách ứng phó hiệu quả với đại dịch COVID-19 ngay cả khi chưa có vắcxin ngừa bệnh.
Đây là nhận định mới nhất của ông Helge Berger, Trợ lý Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương, về công tác ứng phó với đại dịch của Việt Nam.
Trong bài viết trên The Print của Ấn Độ, ông Berger đã ca ngợi thành tích chống dịch COVID-19 của Việt Nam, đồng thời cho biết "chìa khóa" làm nên thành công của Việt Nam chính là các biện pháp cách ly nghiêm ngặt, xét nghiệm tức thì và truy vết nhanh nguồn bệnh.
[Việt Nam và cách xử lý hiệu quả dịch COVID-19 với bài toán kinh tế]
Ông Berger nhấn mạnh: “Không chỉ Trung Quốc mà các nước khác ở châu Á, ví dụ như Việt Nam, đã cho thấy vẫn có cách để đối phó với đại dịch, ngay cả khi chưa có vắcxin. Điều đó cho phép nền kinh tế trở lại hoạt động ít nhất là ở mức gần với bình thường.”
Quan chức IMF nhấn mạnh kinh nghiệm chống dịch của Việt Nam có thể áp dụng tại các nước thu nhập thấp đang chỉ biết trông chờ vào vắcxin.
Tuy nhiên, ông Berger lưu ý vẫn cần có vắcxin để đảm bảo khống chế đại dịch, qua đó mỗi nền kinh tế nói riêng cũng như kinh tế toàn cầu nói chung trở lại hoạt động bình thường.
Đài RFI của Pháp cũng nhận định Việt Nam nằm trong số những quốc gia hiếm hoi ở châu Á kiềm chế hiệu quả đại dịch COVID-19.
RFI dẫn lời bác sỹ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết yếu tố đầu tiên dẫn đến thành công của Việt Nam là do Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm về phòng chống dịch bệnh vì thường xuyên phải đối phó với các dịch bệnh như tay chân miệng, sốt xuất huyết, viêm não... và hệ thống y tế dự phòng đã được thành lập từ lâu.
Việt Nam cũng đã sớm đóng cửa biên giới với Trung Quốc ngay khi được biết có dịch COVID-19, nhờ vậy, Việt Nam đã chặn đứng con đường lây lan. Biện pháp quan trọng nhất đó là cách ly triệt để những người từ nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam.
Ngoài ra, thành công của Việt Nam trong việc kiềm chế dịch COVID-19 còn đến từ việc truy vết những ca tiếp xúc gần (F1) với bệnh nhân COVID-19, thậm chí cả người tiếp xúc gần với F1 (tức F2), để xét nghiệm và cách ly luôn nếu cần.
Vì vậy, hiện Việt Nam có rất ít ca lây nhiễm trong cộng đồng, nguy cơ lây nhiễm COVID-19 ở Việt Nam chủ yếu đến từ bên ngoài, tức là những ca nhập cảnh.
Cũng theo RFI, nhờ kiềm chế được dịch bệnh COVID-19 và thời gian phong tỏa kéo dài chưa đến 3 tháng, kinh tế Việt Nam đã không bị rơi vào suy thoái trong năm 2020 và Việt Nam là một trong số ít các nước trên thế giới đạt mức tăng trưởng 2,9%./.