IMF ca ngợi phản ứng của Chính phủ Ấn Độ đối với đại dịch COVID-19

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã ca ngợi phản ứng "mau lẹ và thực chất" của Ấn Độ đối với đại dịch COVID-19, nhận định nền kinh tế nước này có khả năng "phục hồi nhanh hơn dự kiến."
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Ấn Độ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã ca ngợi phản ứng "mau lẹ và thực chất" của chính quyền Ấn Độ đối với đại dịch COVID-19, nhận định nền kinh tế nước này có khả năng "phục hồi nhanh hơn dự kiến."

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, bản báo cáo về cuộc tham vấn của ban điều hành IMF với phía Ấn Độ để đánh giá tình hình kinh tế và tài chính của quốc gia Nam Á này nêu rõ Chính phủ Ấn Độ đã có phản ứng mau lẹ và thực chất đối với đại dịch, trong đó bao gồm gia tăng hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương, nới lỏng chính sách tiền tệ và cung cấp thanh khoản, áp dụng các chính sách quản lý và tài chính thích ứng. IMF đồng thời nhấn mạnh, bất chấp đại dịch, nhà chức trách Ấn Độ vẫn tiếp tục tiến hành các biện pháp cải cách cơ cấu, trong đó có cải cách lao động và thúc đẩy cổ phần hóa. 

Tuy nhiên, báo cáo cũng cảnh báo về những rủi ro đang rình rập phía trước, đặc biệt là do tác động tiêu cực của đại dịch đối với sự phát triển của người dân. Theo báo cáo, triển vọng kinh tế Ấn Độ vẫn mờ mịt do những bất ổn liên quan đến đại dịch. Tác động tiêu cực và dai dẳng của COVID-19 đối với đầu tư, vốn con người và các động lực tăng trưởng khác có thể kéo dài sự phục hồi và ảnh hưởng đến tăng trưởng trung hạn. Mặc dù Ấn Độ được hưởng lợi từ đặc điểm nhân khẩu học thuận lợi, nhưng sự gián đoạn trong tiếp cận với giáo dục và đào tạo do đại dịch gây ra có thể tác động đến những tiến bộ về vốn con người.

[Khủng hoảng COVID-19 ở Ấn Độ phơi bày điểm yếu của ngoại giao vaccine]

Bên cạnh sự thận trọng, báo cáo cũng đưa ra đánh giá lạc quan, cho rằng sự phục hồi của kinh tế Ấn Độ có thể diễn ra nhanh hơn dự kiến. Việc đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine COVID-19 và áp dụng các phương pháp điều trị tốt hơn có thể giúp ngăn chặn sự lây lan và hạn chế tác động của đại dịch. Ngoài ra, việc thực hiện thành công những biện pháp về cải cách cơ cấu trên diện rộng có thể làm tăng tiềm năng tăng trưởng của Ấn Độ.

IMF dự báo kinh tế Ấn Độ sẽ tăng 9,5% trong tài khóa hiện tại (2021-2022) và đạt 8,5% trong tài khóa tiếp theo./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục