ILO: Khoảng 168 triệu trẻ em có nguy cơ bị bóc lột sức lao động

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã công bố báo cáo, cho biết khoảng 168 triệu trẻ em trên thế giới đã và đang có nguy cơ bị bóc lột sức lao động.
ILO: Khoảng 168 triệu trẻ em có nguy cơ bị bóc lột sức lao động ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Aworldatschool.org)

Nhân Ngày Thế giới về chống bóc lột lao động 12/6, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã công bố báo cáo, cho biết khoảng 168 triệu trẻ em trên thế giới đã và đang có nguy cơ bị bóc lột sức lao động.

Hơn thế nữa, báo cáo nhấn mạnh trong bối cảnh các cuộc khủng hoảng và xung đột đang diễn ra như hiện nay, trẻ em càng đứng trước nguy cơ bị lạm dụng hơn bao giờ hết.

Theo ILO, trong vòng một thập kỷ qua, các quy định quốc tế hiện hành về bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị cưỡng ép lao động đã giúp giảm hơn 30% số trẻ em bị bóc lột lao động.

Hiện nay, nhiều chủ sử dụng lao động và các doanh nghiệp kỳ vọng sẽ xóa bỏ thực trạng này trong chuỗi sản xuất, đặc biệt trong các lĩnh vực nông nghiệp, chế tạo và xây dựng.

Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder nhấn mạnh đối với các doanh nghiệp, xã hội cần có một thông điệp rõ ràng rằng: không được dung túng cho việc bóc lột lao động trẻ em. Chủ doanh nghiệp cần biết điều gì đang xảy ra trong dây chuyển sản xuất và cung ứng sản phẩm của họ. ILO cho biết gần 21 triệu người trên toàn cầu là nạn nhân của tình trạng lao động cưỡng bức, vốn tạo ra khoản lợi nhuận phi pháp trị giá 150 tỷ USD Mỹ mỗi năm.

Nhằm ngăn chặn tình trạng bóc lột lao động trẻ em, Tổ chức Nhân đạo chống nô lệ của Anh đã công bố danh sách gồm 122 sản phẩm sử dụng lao động trẻ em tại 58 quốc gia từ Mỹ Latinh đến châu Á. Những đứa trẻ này có thể được thuê tại mắt xích đầu tiên trong chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm, như bị ép làm việc trong các hầm mỏ để đãi vàng, kim cương..., hoặc làm việc quần quật trong các trang trại bông, đường, trà, càphê và ca cao.

Không những thế, trẻ em cũng bị ép lao động trong các khâu sau trong chuỗi cung ứng như khâu vá, sản xuất giầy dép, dệt thảm hoặc làm pháo hoa. Tuy nhiên, đối với dây chuyền sản xuất trong một số ngành khá phức tạp, như ngành mỹ phẩm, may mặc hay sản xuất điện thoại di động, thì khó có thể xác định các khâu có lạm dụng và bóc lột sức lao động trẻ em.

Tổ chức Giám sát Nhân quyền cho rằng cần có một hiệp ước quốc tế mới để buộc các công ty phải chấm dứt tình trạng lạm dụng lao động trẻ em và nô lệ thời hiện đại trong chuỗi dây chuyền sản xuất của mình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục