ILO kêu gọi đấu tranh chống mọi hình thức lao động cưỡng bức

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã ra báo cáo phản đối mọi hình thức lao động cưỡng bức đang có chiều hướng gia tăng trên toàn thế giới.
ILO kêu gọi đấu tranh chống mọi hình thức lao động cưỡng bức ảnh 1Trẻ em Afghanistan làm việc tại một xưởng gạch ở ngoại ô thủ đô Kabul. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 20/5, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã ra báo cáo nhan đề ”Lao động cưỡng bức: Lợi nhuận và Đói nghèo” phản đối mọi hình thức lao động cưỡng bức, đang có chiều hướng gia tăng trên toàn thế giới.

Phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc dẫn báo cáo trên, cho biết trong những năm gần đây, trung bình mỗi năm lao động cưỡng bức mang lại nguồn lợi nhuận bất hợp pháp khoảng 150 tỷ USD cho giới chủ, cao gấp 3 lần so với con số thống kê trước đó.

Đáng chú ý là trong nguồn lợi nhuận phi pháp trên, có tới 70% là nguồn thu từ hoạt động cưỡng bức tình dục trong bối cảnh nạn buôn người, đặc biệt là buôn bán phụ nữ để phục vụ mục đích tình dục, đang phát triển theo chiều hướng ngày càng phức tạp và khó kiểm soát hơn.

Theo ILO, so với lần báo cáo trước, hiện nay, các khoản lợi nhuận phi pháp thu được từ lao động cưỡng bức cũng đa dạng hơn. Cụ thể, trước đây lao động cưỡng bức thường tập trung chủ yếu ở hoạt động cưỡng bức tình dục và sản xuất nông nghiệp, song hiện nay, trên thế giới có rất nhiều người bị cưỡng bức làm việc trong lĩnh vực xây dựng và công nghiệp.

Hơn một nửa số nạn nhân của các loại hình lao động cưỡng bức là phụ nữ và các bé gái, và họ chủ yếu phải làm nô lệ tình dục trong các nhà chứa, hoặc các công việc gia đình để mang lại nguồn thu cho giới chủ. Số còn lại của các loại hình lao động cưỡng bức là nam giới và trẻ em, chủ yếu phải làm các công việc nặng nhọc, quá sức trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng và khai khoáng.

Số liệu thống kê của ILO cho thấy mặc dù công việc ngày càng vất vả, song thu nhập của những người bị lao động cưỡng bức lại liên tục giảm sút, đồng nghĩa với việc lợi nhuận của giới chủ không ngừng tăng lên.

Cơ quan này của Liên hợp quốc - hoạt động trong lĩnh vực tạo cơ hội cho phụ nữ và nam giới có được việc làm bền vững và hiệu quả trong điều kiện tự do, bình đẳng, an toàn và nhân phẩm được tôn trọng - cảnh báo rằng chừng nào chưa khắc phục được tình trạng bất bình đẳng về giáo dục, tình trạng mù chữ, bất bình đẳng giới và giảm bớt số người tỵ̣ nạn..., thì vẫn còn nhiều người tiếp tục trở thành nạn nhân của nạn lao động cưỡng bức.

Trước thực tế trên thế giới hiện có khoảng 21 triệu người bị lao động cưỡng bức, ông Guy Ryder, Tổng Giám đốc ILO kêu gọi tất cả các chính phủ phải có ngay những hành động thật cụ thể để góp phần thay đổi số phận của những nạn nhân này, bằng cách củng cố hệ thống pháp luật liên quan tới lao động, việc làm; tăng cường sức mạnh và tính hiệu quả trong hoạt động của hệ thống công đoàn; có những chính sách, biện pháp nghiêm cấm và trừng phạt thật thích đáng mọi hình thức sử dụng lao động cưỡng bức; và thực thi đầy đủ các quyền của người lao động.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục