ILO: 21 triệu người đang là nạn nhân "nô lệ hiện đại"

ILO cho biết hiện thế giới có tới 21 triệu người chịu cưỡng bức lao động mà không thể thoát ra khỏi tình trạng "nô lệ hiện đại" này.
Ngày 1/6, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết hiện thế giới có tới 21 triệu người đang phải chịu cưỡng bức lao động mà không thể thoát ra khỏi tình trạng "nô lệ hiện đại" này.

Giám đốc Chương trình hành động đặc biệt của ILO về cưỡng bức lao động Beate Andrees, nêu rõ rằng mặc dù hầu hết các nước thành viên Liên hợp quốc đều ban hành luật trừng phạt hình sự các tội cưỡng bức lao động, buôn người và các hình thức nô lệ hiện đại nhưng hiện tại cứ 1.000 người trên thế giới thì có tới 3 người phải chịu tình cảnh cưỡng bức lao động mà không thể thoát ra.

Châu Á-Thái Bình Dương có số người bị cưỡng bức lao động lớn nhất với 11,7 triệu người, chiếm 57%, tiếp sau là châu Phi với 3,7 triệu người, chiếm 18%, và Mỹ Latinh đứng thứ 3 với 1,8 triệu người, chiếm 9% tổng số người bị cưỡng bức lao động trên toàn cầu.

Số người bị cưỡng bức lao động thấp nhất ở các nền kinh tế phát triển và Liên minh châu Âu với 1,5 triệu người, chiếm 7%.

Theo đánh giá mới nhất của ILO, 18,7 triệu người, chiếm 90% số người bị cưỡng bức lao động là trong khu vực kinh tế tư nhân, trong đó 4,5 triệu người, chiếm 22%, là nạn nhân bị khai thác tình dục. Trên 14 triệu người, chiếm 68%, là nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong nông nghiệp, xây dựng, công nghiệp và các công việc trong nhà.

Số nạn nhân bị cưỡng bức lao động ở độ tuổi dưới 18 là 5,5 triệu người.

Số nạn nhân "nô lệ hiện đại" tính theo 1.000 người dân cao nhất là ở Trung và Đông Nam Âu với tỷ lệ 4,2/1.000 dân, sau đó là châu Phi với tỷ lệ 4/1.000 dân, thấp nhất là ở các nền kinh tế phát triển và Liên minh châu Âu với tỷ lệ 1,5 /1.000 dân.

Nạn nhân "nô lệ hiện đại" là phụ nữ và trẻ em gái chiếm tỷ lệ cao nhất trên toàn cầu với 11,4 triệu người, chiếm 55%. Số nạn nhân là nam giới và trẻ em trai chiếm 45% với 9,5 triệu người.

ILO nhấn mạnh việc truy tố và trừng phạt các tội phạm sử dụng lao động như nô lệ chưa tương xứng và chưa có tác dụng răn đe các tổ chức tội phạm.

Các nước cần tăng cường các nỗ lực chống cưỡng bức lao động thông qua chú ý nhiều hơn đến việc xác định các hình thức cưỡng bức lao động, các tội phạm liên quan đến buôn bán người, truy tố tội phạm, đồng thời tăng cường giúp đỡ các nạn nhân bị cưỡng bức lao động nhằm giảm bớt và tiến tới loại trừ vấn nạn này của nhân loại./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục