Theo báo cáo của Viện Tài chính Quốc tế (IIF), giá trị danh nghĩa của tổng nợ toàn cầu đã giảm khoảng 4.000 tỷ USD xuống dưới ngưỡng 300.000 tỷ USD vào cuối năm 2022, ghi dấu sự sụt giảm hàng năm đầu tiên kể từ năm 2015 tính theo đồng USD.
Tuy nhiên, với chi phí đi vay ngày càng tăng, đặc biệt là tại các thị trường mới nổi, sự sụt giảm tổng nợ là do khoản nợ của các quốc gia phát triển giảm khoảng 6.000 tỷ USD xuống 200.000 tỷ USD.
Trong khi đó, nợ của các nước đang phát triển đạt mức cao kỷ lục mới 98.000 tỷ USD với Nga, Singapore, Ấn Độ, Mexico chứng kiến sự gia tăng lớn nhất.
[IMF: Nợ toàn cầu trong năm ngoái ở mức 235.000 tỷ USD]
Hoạt động kinh tế mạnh hơn và lạm phát cao hơn khiến tỷ lệ nợ trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu giảm hơn 12 điểm phần trăm xuống 338% GDP, đánh dấu mức giảm hàng năm thứ hai liên tiếp.
Phân tích sâu hơn các con số, IIF ước tính tỷ lệ nợ trên GDP của các thị trường mới nổi đã tăng từ dưới 64% GDP lên gần 65% GDP trong năm 2022.
IIF cho biết gánh nặng nợ công bên ngoài của nhiều nước đang phát triển trở nên tồi tệ hơn do đồng nội tệ mất giá mạnh so với đồng USD trong năm 2022.
Trong một phân tích khác, ngân hàng đầu tư JPMorgan đã có một quan điểm khác về tình hình nợ toàn cầu. Theo đó, dù khối nợ tại các nước phát triển giảm nhẹ vào năm ngoái, nhưng tỷ lệ nợ công tại các nước phát triển đã tăng lên 122% GDP so với 73% GDP trước khi xảy ra khủng hoảng 2008.
Các nhà phân tích của JPMorgan lưu ý biến động của khối nợ trong 15 năm đặt ra câu hỏi về tính bền vững. Ngân hàng này cũng chỉ ra sự bất ổn đã xuất hiện trên thị trường tài chính Anh khi chính phủ của cựu Thủ tướng Liz Truss đưa ra các kế hoạch cắt giảm thuế./.