Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hôm 18/1 cho biết việc dỡ bỏ các hạn chế liên quan đến dịch COVID-19 ở Trung Quốc có thể thúc đẩy nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2023 lên mức cao kỷ lục mới, trong khi các lệnh trừng phạt và chính sách áp trần giá đối với dầu của Nga cũng có thể ảnh hưởng tới nhu cầu.
Trong báo cáo hàng tháng về thị trường dầu, IEA cho hay hai quốc gia sẽ chi phối triển vọng thị trường dầu mỏ năm 2023 là Nga và Trung Quốc.
Theo tổ chức này, nguồn cung của Nga sẽ tăng trưởng chậm lại dưới tác động của các lệnh trừng phạt, trong khi Trung Quốc sẽ thúc đẩy gần một nửa mức tăng trưởng nhu cầu toàn cầu ngay cả khi hình thức và tốc độ mở cửa kinh tế trở lại của nước này vẫn chưa chắc chắn.
Hoạt động công nghiệp yếu và thời tiết ôn hòa đã giúp cắt giảm nhu cầu gần 1 triệu thùng dầu mỗi ngày tại các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) trong quý IV/2022.
Nhưng bất chấp những cuộc suy thoái nhẹ có khả năng xảy ra ở châu Âu và Mỹ, việc mở cửa trở lại của Trung Quốc sẽ thúc đẩy sự phục hồi ở các nền kinh tế châu Á lân cận. Điều đó cũng giúp Trung Quốc vượt qua Ấn Độ với tư cách là nước dẫn đầu thế giới về tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ.
[OPEC giữ nguyên dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu năm 2023]
IEA cho biết động lực chính cho tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2023 sẽ là thời điểm và tốc độ phục hồi sau phong tỏa của Trung Quốc.
Trong khi đó, yếu tố chính thúc đẩy nguồn cung dầu tăng trưởng sẽ đến từ Mỹ. Điều này là do sản lượng từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (nhóm OPEC+) sẽ giảm 870.000 thùng mỗi ngày, dẫn đầu là Nga.
IEA cho hay sản lượng dầu của Nga giảm 200.000 thùng mỗi ngày trong tháng 12/2022 sau khi Liên minh châu Âu (EU) cấm nhập khẩu dầu thô vận chuyển bằng đường biển từ nước này và một liên minh các nước áp đặt trần giá đối với dầu thô của Nga.
Con số trên cao gấp đôi dự báo của IEA trong báo cáo trước đó. Cơ quan này ban đầu ươc tính sản lượng dầu của Nga sẽ sụt giảm 3 triệu thùng/ngày sau khi căng thẳng Nga-Ukraine bùng phát thành chiến sự.
IEA cho biết xuất khẩu dầu của Nga năm ngoái chỉ tăng chưa đến 5%, mặc dù giá xuống thấp hơn./.