Ngày 13/9, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) nhận định sau khi đạt sản lượng kỷ lục 100 triệu thùng dầu/ngày hồi tháng Tám vừa qua, thị trường "vàng đen" thế giới có thể rơi vào tình trạng cung không đủ cầu và giá nhiên liệu này tăng cao do Iran và Venezuela giảm sản lượng xuất khẩu dầu mỏ do khó khăn trong nước.
Trong một báo cáo hàng tháng, IEA cho hay thị trường dầu mỏ thế giới đang bước vào thời kỳ "quyết định" khi "mọi thứ trở nên cạnh tranh hơn."
IEA chỉ ra loạt yếu tố tác động đến thị trường "vàng đen," trong đó phải kể đến cuộc khủng hoảng kinh tế tại Venezuela và kinh tế khó khăn tại Iran sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, có tên gọi đầy đủ là Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JPCOA) hồi tháng Năm vừa qua, và đe dọa tái áp đặt các lệnh trừng phạt.
Việc Libya nối lại hoạt động khai thác dầu mỏ cùng với việc Iraq đạt sản lượng dầu gần mức kỷ lục và nguồn cung dồi dào từ Nigeria và Saudi Arabia đã bù đắp tình trạng hụt do sản lượng xuất khẩu dầu mỏ của Venezuela và Iran giảm.
Tuy nhiên, IEA cho rằng trong bối cảnh tình hình kinh tế tại Venezuela chưa có dấu hiệu khả quan, trong khi các lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào ngành công nghiệp dầu mỏ của Iran sẽ có hiệu lực từ tháng 11 tới, một số nhà sản xuất dầu mỏ sẽ có kế hoạch tăng sản lượng trong thời gian tới nhằm hạn chế tác động của thiếu hụt nguồn cung.
IEA lưu ý rằng với việc tăng sản lượng, giá dầu Brent hiện ở mức 70-80 USD/thùng kể từ tháng Tư có thể biến động.
Báo cáo của IEA cũng chỉ rõ sản lượng dầu mỏ của Iran - thành viên của Tổ chức Xuất khẩu dầu mỏ thế giới (OPEC) - trong tháng 8 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2016, xuất phát từ việc nhiều khách hàng phải dừng nhập khẩu dầu mỏ từ Iran do lo ngại các lệnh trừng phạt của Mỹ, trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ, hai nhà nhập khẩu dầu hàng đầu của quốc gia Hồi giáo này.
IEA cũng cho hay trong khi sản lượng dầu mỏ của Iran giảm 500.000 thùng/ngày kể từ tháng Năm - thời điểm Mỹ tuyên bố rút khỏi JPCOA, Iraq và Saudi Arabia lần lượt đã tăng thêm 200.000 và 60.000 thùng dầu/ngày.
Đối với Venezuela, sản lượng dầu mỏ tại nước này trong tháng 8 đã giảm xuống còn 1,24 triệu thùng dầu/ngày và IEA dự báo tình hình tại quốc gia Nam Mỹ này có chiều hướng xấu hơn với sản lượng có thể giảm chỉ còn 1 triệu thùng dầu/ngày vào cuối năm nay.
Trong cuộc họp tại Vienna (Áo) hồi tháng Sáu, các nước OPEC đã nhất trí tăng sản lượng dầu thô thêm 1 triệu thùng/ ngày từ tháng 7/2018./.