IEA kêu gọi đẩy mạnh việc triển khai công nghệ thu hồi carbon

IEA cho biết để đạt được mục tiêu này, lượng CO2 thu hồi phải tăng từ mức 40 triệu tấn hiện nay lên tới 800 triệu tấn vào năm 2030.
(Nguồn: powerengineeringint)

Ngày 24/9, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã nêu bật tầm quan trọng của việc đẩy mạnh triển khai công nghệ thu hồi, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS) trên toàn cầu, nếu như các nước muốn đạt được mục tiêu về trung hòa khí thải, nhằm làm chậm lại quá trình biến đổi khí hậu.

Ngày càng nhiều quốc gia và công ty đang đặt mục tiêu về trung hòa khí CO2 vào giữa thế kỷ này sau khi ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vào năm 2015.

IEA cho biết để đạt được mục tiêu này, lượng CO2 thu hồi phải tăng từ mức 40 triệu tấn hiện nay lên tới 800 triệu tấn vào năm 2030. Điều này đòi hỏi số tiền đầu tư lên đến 160 tỷ USD cho công nghệ CCUS vào năm 2030, gấp 10 lần so với thập kỷ trước đó.

Giám đốc IEA Fatih Birol nhấn mạnh nếu không có công nghệ này, việc đạt được các mục tiêu về năng lượng và khí hậu sẽ gần như là bất khả thi.

IEA nhận định suy thoái kinh tế do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có nguy cơ dẫn đến tình trạng trì hoãn hoặc hủy bỏ các dự án vốn phụ thuộc vào hỗ trợ công. Giá dầu giảm cũng làm giảm bớt thu nhập cho các cơ sở CCUS chuyên bán CO2 để phục vụ việc khai thác dầu mỏ.

[Nhiều doanh nghiệp lớn nỗ lực chung tay chống biến đổi khí hậu]

Thông qua công nghệ Tăng khả năng thu hồi dầu (EOR), CO2 sẽ được bơm vào giếng dầu để làm cho dầu dễ chảy hơn và tăng tỷ lệ khai thác.

IEA nhấn mạnh các gói phục hồi kinh tế là cơ hội để các chính phủ hỗ trợ CCUS bên cạnh các công nghệ năng lượng sạch khác.

Về khoản đầu tư lớn nhằm xây dựng hai nhà máy thu hồi carbon và cơ sở lưu trữ CO2 ngoài khơi, ông Birol cho biết Na Uy đã thể hiện được vai trò lãnh đạo tại châu Âu khi đưa ra cam kết tài chính lớn cho dự án Longship.

Tuy nhiên, CCUS vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn do thiếu động lực thương mại, chi phí lớn và việc người dân phản đối lưu trữ CO2, đặc biệt là ở ngoài khơi.

Trong năm 2009, IEA đã kêu gọi xây dựng 100 dự án CCUS quy mô lớn vào năm 2020 để lưu trữ khoảng 300 triệu tấn CO2/năm. Cho đến nay, chỉ có 20 dự án thương mại đang hoạt động với công suất khoảng 40 triệu tấn/năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục