IEA hạ dự báo nguồn cung từ các nước không thuộc OPEC

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã tiếp tục hạ 120.000 thùng/ngày trong dự báo sản lượng năm 2015 đối với các nước không thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Ngày 15/4, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã tiếp tục hạ 120.000 thùng/ngày trong dự báo sản lượng năm 2015 đối với các nước không thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), xuống còn 630.000 thùng/ngày, với lý do kinh tế khu vực Bắc Mỹ trở nên yếu kém và xung đột ở Yemen diễn biến trầm trọng hơn.

Trong báo cáo hàng tháng, IEA ước tính chiến sự ở Yemen đã làm giảm một nửa sản lượng trong tháng 4/2015 xuống khoảng 60.000 thùng/ngày, từ mức vốn thấp trước đó là 120.000 thùng /ngày.

Tổ chức này cho biết các cuộc đình công mới đây trong ngành hàng không của Saudi Arabia không ảnh hưởng trực tiếp đến cơ sở hạ tầng của ngành năng lượng, nhưng đã khiến các công ty dầu mỏ quốc tế đang hoạt động tích cực ở nước này ngừng hoạt động và rút nhân viên về nước.

Theo IEA, chiến dịch quân sự do Saudi Arabia chỉ huy chống lại Yemen bắt đầu từ cuối tháng Ba vừa qua khiến thị trường quan ngại nguy cơ rối loạn nguồn cung qua đường biển.

Tổ chức này cũng cho biết đã có những dấu hiệu ở Bắc Mỹ cho thấy tăng trưởng hàng tháng về sản lượng dầu nhẹ khan hiếm của Mỹ (US LTO) sẽ chấm dứt từ đầu tháng Năm; đồng thời ghi nhận chiều hướng giảm liên tiếp số lượng giàn khoan dầu, giảm chi tiêu về vốn và khó khăn tài chính ở các hãng sản xuất LTO của Mỹ.

IEA cũng nhắc đến tình trạng giảm tốc độ khoan và ngày càng nhiều giếng khoan chưa được hoàn tất ở Canada.

IEA cũng đã nâng dự báo nguồn cầu thế giới thêm 90.000 thùng/ngày lên 93,6 triệu thùng/ngày, lý giải thực trạng nguồn cung tăng đáng kể 700.000 thùng/ngày trong năm 2014 là do thời tiết lạnh giá trong quý đầu năm nay và sự cải thiện mạnh của kinh tế toàn cầu.

Mặc dù giá dầu mỏ đã giảm hơn một nửa trong 6 tháng qua, OPEC vẫn từ chối giảm khối lượng nguồn cung của mình.

Các nhà phân tích cho rằng tổ chức này muốn lợi dụng giá dầu rẻ hơn để đẩy các nhà sản xuất dầu đá phiến ra khỏi thị trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục