Nhu cầu dầu mỏ tháng vừa qua đã tăng mạnh trong bối cảnh tỷ lệ tiêm phòng COVID-19 đang tăng giúp thúc đẩy các hoạt động kinh tế, nhưng Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) ngày 13/7 cảnh báo việc các quốc gia trong Nhóm các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước đối tác (OPEC+) sản xuất ít hơn nhu cầu sẽ khiến giá dầu bấp bênh hơn cho đến khi đạt một thỏa thuận tăng sản lượng.
Tại cuộc họp của OPEC+ đầu tháng này, các nước thành viên đã không thể nhất trí về các kế hoạch từng bước nới lỏng cắt giảm sản lượng, từng áp dụng nhằm đảo ngược tình trạng giá dầu giảm mạnh khi bùng phát đại dịch COVID-19.
Nhưng nhu cầu đang tăng trở lại, tăng 3,2 triệu thùng/ngày hồi tháng trước theo ước tính của IEA, tương đương hơn 1/3 tổng lượng cầu giảm hồi năm ngoái. IEA hy vọng lượng cầu sẽ tăng thêm 3,3 triệu thùng/ngày nữa trong 3 tháng tới tính từ tháng 7, tức là hơn gấp đôi mức tăng theo mùa từng ghi nhận cùng kỳ năm 2019.
IEA cho rằng đây là kết quả của việc nới lỏng các biện pháp phòng dịch và tăng cường tiêm chủng.
Trong khi OPEC+ dự định từng bước tăng sản lượng dầu, bế tắc trong cuộc họp trên đồng nghĩa với việc sản lượng sẽ được "đóng băng" ở mức hiện nay cho đến khi các bên tìm được thỏa thuận.
Trong báo cáo hằng tháng mới nhất, IEA cho biết: "Giá dầu đã phản ứng mạnh trước tin về bế tắc trong cuộc họp của OPEC+ đầu tháng này, do tính đến khả năng thâm hụt nặng nguồn cung nếu không đạt thỏa thuận."
Trên thực tế, các hợp đồng dầu mỏ quốc tế chính đã được giao dịch quanh mức giá 75 USD/thùng. Một số chuyên gia dự báo giá có thể lên tới 100 USD/thùng.
[Bộ Tài chính Mỹ cho phép xuất khẩu khí hóa lỏng sang Venezuela]
Nhưng cũng có một kịch bản khác: thỏa thuận của OPEC+ bị phá vỡ, các nhà sản xuất tăng sản lượng và tìm cách giành thị phần dầu mỏ, khiến giá dầu lại sụt giảm. Các nhà đầu tư cũng lo ngại rằng lạm phát tăng có thể khiến các ngân hàng trung ương nâng mức lãi suất siêu thấp của mình lên, đồng nghĩa với việc dỡ bỏ một trong những hỗ trợ chính cho đà phục hồi kinh tế.
IEA dự báo nếu các nước OPEC+ không tăng sản lượng, thị trường dầu thô sẽ rất căng thẳng vì lượng dầu dự trữ bổ sung được xây dựng trong thời dịch đã cạn và dự trữ đang ở mức thấp hơn mức trung bình dài hạn tại các nước công nghiệp phát triển.
IEA cảnh báo: "Các thị trường dầu sẽ vẫn bấp bênh cho đến khi OPEC+ có chính sách sản lượng rõ ràng." Cơ quan này cũng nhấn mạnh rằng giá dầu tăng sẽ không có ích về lâu dài đối với các nhà sản xuất dầu mỏ.
Trong khi dự báo nhu cầu dầu mỏ phục hồi cùng với nền kinh tế toàn cầu, IEA nhấn mạnh: "Dịch COVID-19 vẫn là mối đe dọa lớn đối với tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ trong ngắn và trung hạn, đặc biệt ở các nước không thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD)." Các nước mới nổi ngoài OECD như Trung Quốc và Ấn Độ đã góp phần rất nhiều cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu trước khi bùng phát dịch./.