IEA đề xuất các biện pháp giúp EU tránh tình trạng thiếu hụt khí đốt

Để tránh tình trạng thiếu hụt khí đốt, IEA đề xuất EU đảm bảo hiệu quả sử dụng năng lượng trong nhà, thúc đẩy các dự án năng lượng tái tạo, điều chỉnh hệ thống sưởi bằng khí đốt trong nhà...
IEA đề xuất các biện pháp giúp EU tránh tình trạng thiếu hụt khí đốt ảnh 1Trạm trung chuyển khí đốt ở Rembelszczyzna, gần Warsaw (Ba Lan). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong báo cáo “Cách thức tránh tình trạng thiếu khí đốt ở Liên minh châu Âu năm 2023,” Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã đề xuất một danh sách các biện pháp trị giá khoảng 100 tỷ euro (105,3 tỷ USD) giúp Liên minh châu Âu (EU) tránh tình trạng thiếu hụt khí đốt.

Báo cáo của IEA viết: “Đầu tư bổ sung, cần thiết để thực hiện các biện pháp được mô tả trong báo cáo này là khoảng 100 tỷ euro. Con số này chưa bằng 1/3 con số 330 tỷ euro được các quốc gia thành viên EU phân bổ trong năm qua như một phần của các gói khẩn cấp để bảo vệ người tiêu dùng khỏi giá cao.”

IEA lưu ý rằng số tiền này cũng sẽ được bù đắp bằng hóa đơn nhập khẩu khí đốt thấp hơn trong vòng hai năm.

Theo báo cáo, IEA đề xuất EU hành động theo 5 hướng. Đầu tiên là đảm bảo hiệu quả sử dụng năng lượng trong nhà ở, thiết bị, tòa nhà công cộng và chiếu sáng, đồng thời hỗ trợ các chương trình hiệu quả năng lượng công nghiệp, giúp tiết kiệm 8 tỷ m3 khí đốt.

Thứ hai, đẩy nhanh việc sử dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm sẽ lên tới 7,5 tỷ m3 khí đốt.

Thứ ba, áp dụng kích thích tài chính để mua máy bơm nhiệt, thay đổi các biện pháp thuế gây hại cho điện khí hóa và tằng hỗ trợ cho điện khí hóa công nghiệp, giúp tiết kiệm 2 tỷ m3 khí đốt.

[IEA cảnh báo nguy cơ EU thiếu hụt khí đốt nghiêm trọng vào năm sau]

Thứ tư, điều chỉnh hệ thống sưởi bằng khí đốt trong các tòa nhà, lắp đặt đồng hồ đo thông minh, áp dụng hiệu suất năng lượng vào cài đặt chuẩn thiết bị và hỗ trợ khu vực công phát triển và thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng khẩn cấp, giúp tiết kiệm 5 tỷ m3.

Cuối cùng, thứ năm, thu hồi khí bị đốt và thải vào khí quyển ở các nước xuất khẩu, đưa các loại khí phát thải thấp mới vào các giao dịch mua khí đốt chung. Điều này sẽ tiết kiệm được 4,5 tỷ m3 khí đốt.

Theo IEA, nếu không áp dụng các hành động được đề xuất trên, chênh lệch giữa cung và cầu khí đốt ở châu Âu có thể lên tới 27 tỷ m3 năm 2023.

Khoảng một nửa số tiền đầu tư sẽ dành cho việc nâng cao hiệu quả năng lượng, chủ yếu là nâng cấp tòa nhà; 40% số tiền dành cho năng lượng tái tạo.

Số tiền còn lại sẽ cung cấp cho việc lắp đặt máy bơm nhiệt, phát triển khí metan sinh học và các dự án giảm phát thải khí và khí metan.//

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục