IEA đề xuất 3 chính sách tăng an ninh năng lượng

Theo Giám đốc chấp hành IEA, an ninh năng lượng toàn cầu phải được thúc đẩy song hành với những thành quả chống biến đổi khí hậu.
Ngày 9/12, tại Hội nghị Liên hợp quốc về chống biến đổi khí hậu đang diễn ra ở thành phố Durban của Nam Phi, Giám đốc chấp hành Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), Maria van der Hoeven đã nhấn mạnh cánh cửa cơ hội để nhân loại có thể tự cứu mình khỏi những thảm họa khí hậu và đảm bảo được an ninh năng lượng đang khép lại nếu cộng đồng thế giới hành động chậm trễ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

An ninh năng lượng toàn cầu cần phải được thúc đẩy song hành với những thành quả chống biến đổi khí hậu.

Bà Maria van der Hoeven lưu ý rằng tiến bộ hạn chế trong các cuộc thương lượng về biến đổi khí hậu là nguyên nhân của những lo ngại ngày càng tăng và kêu gọi trong khi chưa đạt được một thỏa thuận chung về chống biến đổi khí hậu, các nước không được trì hoãn hành động để đáp ứng các nhu cầu năng lượng đang tăng lên thông qua các giải pháp vừa đảm bảo an ninh năng lượng, vừa ít khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Nếu trong vài năm tới, các hành động chính sách dũng cảm không được thực hiện, thế giới sẽ rơi vào tình cảnh khó khăn và phải trả giá đắt để đáp ứng mục tiêu giữ nhiệt độ Trái Đất không nóng lên quá 2 độ C gây ra thảm họa khí hậu cho nhân loại.

Giám đốc chấp hành IEA đề xuất 3 công cụ chính sách các nước cần thúc đẩy để tăng cường an ninh năng lượng bền vững và giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, bao gồm tiêu chuẩn hóa các thiết bị sử dụng năng lượng; thực hiện các biện pháp hiệu quả để tăng cường các nguồn năng lượng tái sinh trong đó đặc biệt chú ý đến tác động của các nguồn năng lượng này đến an ninh nguồn cung cấp; áp dụng giá khí thải cácbon thông qua buôn bán các hạn ngạch khí thải CO2.

Bà nhấn mạnh mặc dù trọng tâm của các năm tới là giải quyết vấn đề năng lượng tác động đến khí hậu nhưng nay cũng đã đến lúc cần tìm các giải pháp giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu tác động đến hệ thống năng lượng và rộng hơn là đến an ninh năng lượng.

Trong khi các nước công nghiệp hoá đã cam kết đầu tư 100 tỷ USD hỗ trợ các nước đang phát triển giảm khí thải, các nước mới nổi lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Brazil cần thực hiện các chính sách đầu tư tương xứng để giảm khí thải và tăng cường an ninh năng lượng. IEA có thể hỗ trợ các nước trong lĩnh vực này.

Thúc đẩy tiếp cận phổ cập các dịch vụ năng lượng hiện đại mang lại lợi ích kinh tế, xã hội và y tế khổng lồ mà không tác động lớn đến tổng lượng khí thải CO2 toàn cầu. Các nước thành viên IEA đang hỗ trợ tích cực các nỗ lực phổ cập tiếp cận này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục