Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) ngày 18/5 cho biết cơ hội để thế giới đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ này đang ngày càng nhỏ lại, trừ khi các quốc gia thay đổi hoàn toàn cách thức sản xuất, sử dụng và vận chuyển năng lượng.
Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 đặt mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ Trái Đất dưới 1,5 độ C để tránh những tác động tàn phá nhất của quá trình biến đổi khí hậu. Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi thế giới phải đưa mức phát thải ròng khí gây hiệu ứng nhà kính xuống bằng 0 vào năm 2050.
Mặc dù số quốc gia đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 đã tăng lên nhưng theo báo cáo mới nhất có tên “Phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050” của IEA, ngay cả khi các cam kết này được thực hiện đầy đủ, thế giới vẫn sẽ có 22 tỷ tấn CO2 vào năm 2050. Điều này sẽ dẫn đến nhiệt độ Trái Đất tăng khoảng 2,1 độ C vào năm 2100.
[Australia áp dụng công nghệ hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0]
Báo cáo đặt ra hơn 400 dấu mốc mà thế giới phải thực hiện để đạt được mục tiêu trên, trong đó có việc không đầu tư vào các dự án sử dụng nhiên liệu hóa thạch mới, cũng như hủy bỏ ngay từ bây giờ tất cả quyết định đầu tư vào các nhà máy than mới không có công nghệ thu giữ carbon.
Cũng theo IEA, để đạt được mức phát thải ròng bằng 0, các loại xe hơi sử dụng động cơ đốt trong nên bị loại bỏ hoàn toàn vào năm 2035, trong khi ngành điện toàn cầu phải đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2040.
Ngoài ra, thế giới sẽ cần triển khai rộng rãi hơn năng lượng tái tạo. Theo IEA, gần 90% nguồn điện cần phải được sản xuất từ năng lượng tái tạo vào năm 2050. Phần còn lại đa số sẽ từ năng lượng hạt nhân.
Báo cáo cho biết các nước cũng cần triển khai những công nghệ mới chưa phổ biến ở quy mô thương mại, chẳng hạn như thu giữ và lưu trữ carbon và hydro xanh.
Theo một phân tích chung của IEA và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), khoản đầu tư vào năng lượng hàng năm sẽ cần phải tăng từ 2.000 tỷ USD trong hiện tại lên 5.000 tỷ USD vào năm 2030 để đạt được mức phát thải ròng bằng 0. Điều này cũng sẽ góp thêm 0,4 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP toàn cầu mỗi năm./.