Mối lo ngại về nguy cơ nguồn cung dầu mỏ bị gián đoạn đã được giải tỏa khi các nhà sản xuất lớn tăng sản lượng, song tình trạng này có thể chỉ là tạm thời do đợt trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ của Iran đang đến gần. Đây là cảnh báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đưa ra ngày 10/8.
Trong báo cáo hằng tháng về thị trường dầu mỏ thế giới, IEA cho biết giá dầu thô đã giảm trong những tuần gần đây, phản ánh tâm lý ít lo ngại hơn về nguồn cung dầu mỏ sau khi Nga và nhiều nước thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) nâng sản lượng.
Tuy nhiên, tình trạng căng thẳng về nguồn cung có thể sẽ sớm nổ ra. IEA nêu rõ hoạt động cung cấp dầu mỏ trên thế giới sẽ trở thành một thách thức khi các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ của Iran dự kiến có hiệu lực từ tháng 11 tới, cùng với những vấn đề về sản lượng ở một số nước.
Theo IEA, quyết định của Mỹ tái áp đặt các đòn trừng phạt cứng rắn nhất từ trước tới nay đối với Iran có thể khiến sản lượng dầu của nước Cộng hòa Hồi giáo giảm mạnh nhất so với các đợt trừng phạt trước.
[Giá dầu thế giới giảm hơn 2 USD/thùng do dự trữ dầu của Mỹ giảm]
Xuất khẩu dầu mỏ của Iran đã giảm 1,2 triệu thùng/ngày vào tháng 7 vừa qua khi hàng loạt nước châu Âu giảm mua hàng của Iran, trong khi Hàn Quốc cắt hoàn toàn lượng dầu khẩu dầu từ Tehran.
Trong bối cảnh thị trường dầu mỏ thế giới gần đây trở nên ổn định hơn do sản lượng tăng 300.000 thùng/ngày và nhu cầu tăng nhanh, IEA cảnh báo các nhà sản xuất dầu mỏ có thể đối mặt với một thách thức phải bù đắp cho những thiệt hại sau đó mà có thể khiến thị trường dầu mỏ thế giới rơi vào tình trạng mất cân bằng.
Việc tăng giá dầu thô do nguồn cung không ổn định, cộng với những căng thẳng thương mại kéo giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu, có thể làm giảm nhu cầu dầu mỏ.
Cảnh báo của IEA được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran.
Đợt trừng phạt đầu tiên của Mỹ có hiệu lực từ ngày 7/8 nhằm vào các giao dịch mua USD, vàng và các kim loại quý, cùng một số ngành công nghiệp chủ chốt như than, nhôm, thép và phần mềm sử dụng trong công nghiệp của Iran.
Dự kiến đến ngày 5/11 Mỹ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đợt hai nhằm vào các lĩnh vực cảng biển, năng lượng, vận tải biển và đóng tàu, các giao dịch dầu mỏ và các thỏa thuận kinh doanh giữa các thể chế tài chính nước ngoài với Ngân hàng trung ương Iran.
Động thái trên của Washington đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, trong đó có các đồng minh châu Âu và những nước tham gia ký thỏa thuận hạt nhân Iran hồi năm 2015./.