IDLO đề cao việc ứng phó với COVID-19 trên cơ sở pháp quyền

Trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang có những tác động sâu rộng đối với kinh tế, Tổ chức quốc tế về luật phát triển nhấn mạnh việc ứng phó dịch trên cơ sở pháp quyền.
IDLO đề cao việc ứng phó với COVID-19 trên cơ sở pháp quyền ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Nation Thailand)

Trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang có những tác động sâu rộng đối với kinh tế, chính trị và xã hội toàn cầu, Tổng Giám đốc Tổ chức quốc tế về luật phát triển (IDLO), bà Jan Beagle mới đây đã đưa ra Tuyên bố chính sách của IDLO: “Ứng phó với COVID-19 trên cơ sở pháp quyền."

IDLO là tổ chức quốc tế liên chính phủ duy nhất chuyên về thúc đẩy pháp quyền và phát triển bền vững, được thành lập năm 1988, là quan sát viên của Liên hợp quốc từ năm 2001. IDLO có 37 quốc gia thành viên ở các châu lục khác nhau, trong đó có Việt Nam.

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, tuyên bố của IDLO nhấn mạnh pháp quyền và ngành tư pháp có thể đóng góp trong cuộc chiến chống COVID-19 ít nhất trên ba phương diện.

Một là, một hệ thống pháp luật hiệu quả, trong đó luật về y tế công cộng phù hợp với Quy chuẩn về y tế quốc tế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sẽ giúp chính phủ có các hành động cụ thể, cẩn trọng trong việc ban hành các biện pháp để vừa bảo vệ người dân khỏi dịch bệnh, vừa tôn trọng các quyền dân sự, chính trị, kinh tế và xã hội.

IDLO đã cùng WHO có báo cáo nghiên cứu chung về thúc đẩy quyền tiếp cận y tế: Vai trò quan trọng của pháp luật, thể hiện sự đóng góp của pháp luật trong việc tạo điều kiện ứng phó nhanh và hữu hiệu trước tình trạng khẩn cấp về y tế, trong đó có tình hình dịch bệnh truyền nhiễm như COVID-19 hiện nay.

Hai là, pháp quyền có thể là "phao cứu sinh" cho những đối tượng dễ tổn thương nhất của xã hội trong khủng hoảng như những người nghèo cùng cực, phụ nữ và trẻ em gái, người già, người tàn tật, trẻ em, người di cư, người tị nạn, tù nhân, người sống trong xung đột. Trong hoàn cảnh như hiện nay, các tổ chức pháp lý cần có khả năng tiếp cận và sẵn sàng để bảo vệ những đối tượng trên.

Ba là, pháp quyền giúp tạo cơ sở vững chắc cho việc phục hồi sau khủng hoảng. Trong giai đoạn phục hồi, cần tính đến các biện pháp khắc phục hậu quả về y tế và kinh tế xã hội sau đại dịch và phải xây dựng và củng cố các điều kiện để hỗ trợ khả năng phục hồi của cộng đồng trước các cuộc khủng hoảng trong tương lai.

[‘Những ngày không quên’: Muôn mặt đời sống giữa dịch COVID-19]

Thông qua Tuyên bố chính sách này, IDLO khẳng định cam kết góp phần ứng phó với COVID-19, phù hợp với mục tiêu của tổ chức là thúc đẩy tiếp cận công lý và pháp quyền trên toàn cầu, dựa trên 3 thành tố chính: Tăng cường khuôn khổ pháp luật và chính sách nhằm ứng phó với COVID-19 và thời kỳ hậu đại dịch; Giảm tác động của khủng hoảng do dịch bệnh đối với hệ thống tư pháp và những người tìm kiếm công lý; Vận động cần tiếp tục ủng hộ và đầu tư vào đảm bảo công lý và pháp quyền.

Với tư cách là tổ chức quốc tế liên chính phủ có sứ mệnh thúc đẩy pháp quyền và tiếp cận công lý ở mọi khu vực trên thế giới, IDLO tin tưởng rằng quản trị nhà nước tốt và pháp quyền là trụ cột trong kiểm soát cuộc khủng hoảng COVID-19 hiện nay và sẽ thúc đẩy quá trình phục hồi tại các nước.

Tuyên bố đánh giá trong những tuần qua, chính phủ, quốc hội, các tổ chức quốc tế và người dân toàn cầu đã nhận ra ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đối với cả những quốc gia phát triển kinh tế nhất trên thế giới, gây khủng hoảng cho các bệnh viện và hệ thống y tế của các nước, ảnh hưởng đến nền kinh tế và gây ra thiệt hại nặng nề cho con người.

Nếu không hành động khẩn cấp để ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh này và cung cấp hỗ trợ giảm nhẹ, tác động của dịch bệnh đối với các quốc gia có năng lực thể chế yếu hơn và những người sống trong điều kiện cực kỳ khó khăn, bất bình đẳng và bất an có thể sẽ còn tàn khốc hơn.

Chính vì vậy, IDLO ủng hộ mạnh mẽ Kế hoạch Nhân đạo toàn cầu ứng phó COVID-19, lời kêu gọi khẩn cấp của WHO và Văn phòng Liên hợp quốc về Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) và những lời kêu gọi của Cao ủy Nhân quyền LHQ và Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) về tuân thủ các quy tắc và giá trị nhân quyền và nhân đạo quốc tế.

IDLO kêu gọi đẩy mạnh hỗ trợ năng lực của người dân, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất, để bảo vệ chính họ và cộng đồng trước ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. IDLO hỗ trợ hơn 90 nước, thông qua tăng cường năng lực cho các chính phủ, người dân và củng cố các thiết chế nhằm thực thi công lý, hòa bình và phát triển bền vững./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục