ICBM do Triều Tiên công bố có thể là hình ảnh từ vụ phóng trước đó

Triều Tiên cho biết loại tên lửa được phóng ngày 24/3 là Hwasong-17, một ICBM “quái vật” mới; tuy nhiên giới phân tích cho rằng vụ phóng có thể đã xảy ra vào ngày và giờ khác.
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-17 được phóng thử từ sân bay quốc tế Bình Nhưỡng ngày 24/3/2022, trong một bức ảnh do Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên đăng phát. (Ảnh: KCNA/TTXVN)

Hãng tin Reuters ngày 26/3 dẫn nhận định của giới phân tích trên cơ sở xem xét các hình ảnh và video, cho rằng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) “quái vật” Hwasong-17 được trình chiếu trên phương tiện truyền thông nhà nước Triều Tiên ngày 25/3 về vụ thử lớn chưa từng có của nước này có thể là hình ảnh từ vụ phóng ngày 16/3.

Triều Tiên cho biết loại tên lửa được phóng ngày 24/3 là Hwasong-17, một ICBM “quái vật”mới, được trình diễn tại Lễ duyệt binh hôm 10/10/2020 nhưng chưa được thử nghiệm công khai trước đó.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết vệt bóng, thời tiết và các yếu tố khác của hình ảnh cho thấy vụ phóng do Triều Tiên chiếu trên truyền thông nhà nước thực sự đã xảy ra vào ngày và giờ khác.

NK Pro, trang mạng có trụ sở tại Seoul chuyên theo dõi tình hình Triều Tiên, cho biết trong một bản tin rằng: “Nhiều bằng chứng trực quan cho thấy Triều Tiên chí ít đang gây ra sự nhầm lẫn về phiên bản các tên lửa, thậm chí là hoàn toàn ngụy tạo hoàn toàn về một vụ thử thành công Hwasong-17.”

Dường như không ai nghi ngờ về vụ thử tên lửa diễn ra vào ngày 24/3 và đây là vụ thử tên lửa đạt được quãng đường bay và độ cao lớn nhất từ trước đến nay của Triều Tiên. Dữ liệu được các quốc gia theo dõi vụ phóng là Hàn Quốc và Nhật Bản xác thực một cách độc lập.

[Hàn Quốc-Trung Quốc thảo luận về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên]

Tuy nhiên, NK Pro cho rằng trên thực tế, tên lửa được chiếu trên các phương tiện truyền thông nhà nước Triều Tiên có thể chính là tên lửa mà Hàn Quốc cho biết đã phát nổ trên không ngay sau khi phóng vào hôm 16/3.

Triều Tiên không công khai vụ phóng hoặc thừa nhận vụ phóng thất bại, vốn đã khiến các mảnh vỡ rơi xuống khu vực thủ đô Bình Nhưỡng hoặc các khu vực lân cận.

Michael Duitsman, Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí hạt nhân (CNS) có trụ sở tại Mỹ, cho biết các nhà nghiên cứu tại trung tâm này có chung đánh giá rằng một số đoạn phim do Triều Tiên công bố là của vụ thử thất bại vào sáng 16/3, không phải của vụ thử diễn ra vào khoảng 14h24 ngày 24/3.

Các bức ảnh và video do truyền thông nhà nước Triều Tiên công bố cho thấy một tên lửa Hwasong-17 đang được phóng đi từ bệ phóng kiêm xe chở (TEL) 22 bánh của nước này tại sân bay Bình Nhưỡng.

Trên Twitter, ông cho biết: “Bóng của TEL phù hợp với vụ phóng vào buổi sáng hơn là một vụ phóng diễn ra vào buổi chiều.” Bình luận về hình ảnh, Duitsman cho rằng: “Mặc dù điều này không có nghĩa là vụ thử ngày 24/3 là Hwasong-15, nhưng cũng không loại trừ mọi khả năng.”

Trước đó, các quan chức Mỹ và Hàn Quốc cho biết các tính năng liên quan đến Hwasong-17 đã được thử nghiệm trong các vụ phóng vào ngày 27/2 và 5/3 song chưa đạt đến tầm bay và độ cao cần thiết.

Cả Washington và Seoul đều chưa xác nhận loại tên lửa đã thử nghiệm thất bại trong vụ phóng ngày 16/3, đồng thời cũng chưa đưa ra bình luận về sự mâu thuẫn trong các tuyên bố của Triều Tiên.

Truyền thông Hàn Quốc dẫn lời các quan chức giấu tên cho biết Seoul đang kiểm tra khả năng Triều Tiên đã thực sự phóng một loại ICBM cũ hơn và nhỏ hơn, như Hwasong-15 đã được thử nghiệm trước đó vào tháng 11/2017 hay không./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục