IATA: Ngành hàng không có thể mất 25 triệu việc làm do dịch COVID-19

IATA đã nhấn mạnh đến tình trạng mất việc làm và tác động đối với nền kinh tế thế giới nếu chính phủ các nước “bỏ mặc" các hãng hàng không rơi vào khó khăn.
IATA: Ngành hàng không có thể mất 25 triệu việc làm do dịch COVID-19 ảnh 1Máy bay của Thai Airways nằm chờ tại sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok, Thái Lan, sau khi nhiều chuyến bay quốc tế bị dừng do dịch COVID-19. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) ngày 7/4 cảnh báo rằng 25 triệu việc làm trên toàn thế giới có thể “biến mất” do hoạt động giao thông đường ngừng trệ do các lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

IATA đã tổ chức nhiều cuộc họp báo hàng tuần, đưa ra những thông điệp ngày càng quan ngại về tình hình của ngành hàng không và kêu gọi sự hỗ trợ từ chính phủ các nước.

Trong khuyến cáo mới nhất, IATA - trong đó có các thành viên như Lufthansa và công ty mẹ của British Airways là IAG, cho biết hoạt động đi lại bằng đường không trên thế giới giảm 70% vào đầu quý 2/2020.

Tổng Giám đốc IATA Alexandre De Juniac cho biết các hãng hàng không hiện không đủ khả năng tài chính để hoàn lại tiền vé máy bay của các chuyến bị hủy do lệnh phong tỏa cho các khách hàng và khách hàng nên đồng ý nhận phiếu/mã mua hàng giảm giá.

IATA đã nhấn mạnh đến tình trạng mất việc làm và tác động đối với nền kinh tế thế giới nếu chính phủ các nước “bỏ mặc" các hãng hàng không rơi vào khó khăn.

Theo IATA, thời gian hạn chế đi lại nghiêm ngặt lên tới ba tháng cùng với lưu lượng giao thông đường không sụt giảm kể từ đầu năm 2020 đến nay có thể khiến 25 triệu việc làm trong ngành hàng không “bay hơi," trong khi khoảng 1/3 trong số 2,7 triệu việc làm trực tiếp trong ngành hàng không đã bị mất hoặc tạm thời mất.

[Ngành hàng không thế giới sẽ mất nhiều năm để phục hồi sau dịch bệnh]

Cũng theo IATA, các hãng hàng không đang sử dụng nguồn tiền mặt dự trữ khi cố gắng duy trì hoạt động và việc hoàn lại tiền vé máy bay của các chuyến bay bị hủy theo quy định ở nhiều nơi trên thế giới (tương tự như quy định EU261 ở Liên minh châu Âu) là điều không thể. Trong khi đó, nhiều người tiêu dùng tỏ ý không hài lòng khi các hãng hàng không vì đã bỏ qua các quy tắc đó và cho rằng họ cũng cần tiền mặt như các hãng hàng không.

IATA đã đề nghị chính phủ các nước không yêu cầu các hãng hàng không phải hoàn tiền vé máy bay cho các chuyến bay bị hủy do lệnh phong tỏa.

Tuy vậy, Bộ Giao thông Vận tải Mỹ cho rằng các hãng hàng không phải hoàn trả tiền vé máy bay của các chuyến bay mà họ hủy hoặc thay đổi lịch trình đáng kể song không được sự chấp nhận của hành khách, sau khi có nhiều khiếu nại và thắc mắc của người tiêu dùng.

Tại Mỹ, một hành khách đã đệ đơn kiện tập thể vào ngày 6/4 đối với hãng hàng không United Airlines vì từ chối hoàn tiền vé máy bay sau khi chuyến bay mà gia đình của hành khách dự kiến đi bị hủy bỏ.

IATA đã yêu cầu chính phủ các nước giảm phí và thuế để giúp các thành viên của hiệp hội này - chiếm 82% lưu lượng giao thông đường toàn cầu, có thể duy trì hoạt động và khởi động lại các tuyến bay trong tương lai.

Trong khi đó, các nước châu Âu ngày 7/4 đã đồng ý hoãn thu các khoản phí kiểm soát không lưu với tổng trị giá khoảng 1,1 tỷ euro (1,2 tỷ USD) trong giai đoạn từ tháng 2-5/2020.

Trong khi đó, một tổ chức bảo vệ môi trường có tên là Keep Grounded đã công bố một bức thư ngỏ có chữ ký của 250 nhóm bảo vệ môi trường và tổ chức từ thiện trên khắp châu Âu kêu gọi chính phủ các nước “gắn” điều kiện khí hậu và lao động với bất kỳ sự cứu trợ nào dành cho các hãng hàng không./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục