IAEA thông báo Iran đã gia tăng lượng dự trữ urani làm giàu

Trong báo cáo hằng quý gửi các nước thành viên, IAEA cho biết gần hai tháng sau khi vượt qua hai giới hạn, hiện Iran đã tích lũy được 241,6kg urani làm giàu và tăng mức độ làm giàu lên tới 4,5%.
IAEA thông báo Iran đã gia tăng lượng dự trữ urani làm giàu ảnh 1Kỹ thuật viên Iran kiểm tra các thiết bị tại cơ sở làm giàu urani Isfahan, cách thủ đô Tehran 420km về phía nam. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 30/8, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thông báo, Iran đã gia tăng lượng dự trữ urani làm giàu, trong khi tiếp tục tinh chế chất này vượt mức được cho phép trong thỏa thuận hạt nhân mà nước này ký với các cường quốc thế giới.

Theo hãng tin Anh Reuters, trong báo cáo hằng quý gửi các nước thành viên, IAEA cho biết gần hai tháng sau khi vượt qua hai giới hạn nêu trên, hiện Iran đã tích lũy được 241,6kg urani làm giàu và tăng mức độ làm giàu lên tới 4,5%.

Tuy nhiên, mức này vẫn thấp hơn nhiều so với mức 20% mà Iran đạt được vào thời điểm trước khi ký thỏa thuận hạt nhân, và khoảng 90% lượng urani này được coi là nguyên liệu để sản xuất vũ khí.

Ngoài ra, theo IAEA, lượng nước nặng Iran dự trữ tính đến ngày 19/8 vừa qua là 125,5 tấn, dưới mức trần 130 tấn theo thỏa thuận hạt nhân.

Hồi tháng Bảy, IAEA, cơ quan đang giám sát thỏa thuận hạt nhân năm 2015, cho hay Iran đã vượt qua cả hai giới hạn cho phép về lượng dự trữ và cấp độ làm giàu urani.

[Iran đã làm giàu 24 tấn urani từ khi tham gia thỏa thuận hạt nhân 2015]

Thỏa thuận hạt nhân lịch sử ký năm 2015 giữa Iran và năm nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp và Mỹ) cùng Đức có tên gọi đầy đủ là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCOPA).

Văn kiện này quy định Iran chỉ được phép làm giàu urani ở tỷ lệ 3,67%, thấp hơn nhiều so với mức 90% để chế tạo vũ khí hạt nhân và cũng thấp hơn mức 20% mà Iran đã thực hiện trước khi thỏa thuận được ký kết. Ngoài ra, Tehran được phép sản xuất urani có tỷ lệ làm giàu thấp với khối lượng tối đa 300 kg và lượng urani dư thừa có thể được bán ra nước ngoài.

Tháng 5/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt quốc gia Trung Đông này.

Quan hệ giữa hai nước ngày càng xấu đi sau một loạt các động thái gây căng thẳng từ hai phía như vụ Iran và Mỹ tuyên bố bắn rơi máy bay không người lái của nhau, Tehran rút khỏi một số cam kết hạt nhân quan trọng nhất và vượt ngưỡng cho phép trong thỏa thuận về làm giàu urani. Các cường quốc còn lại tham gia ký thỏa thuận đang nỗ lực cứu vãn JCPOA./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục