IAEA quan ngại sâu sắc về cơ sở hạt nhân bí mật của Iran

IAEA bày tỏ quan ngại sâu sắc về các vật chất hạt nhân chưa khai báo có thể tồn tại ở địa điểm chưa công bố này và chưa được Iran khai báo theo Hiệp định Bảo đảm mà Tehran đã ký kết.
Bên trong cơ sở hạt nhân Fordo ở Qom, miền Bắc Iran. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) ngày 23/2 bày tỏ quan ngại sâu sắc về khả năng tồn tại vật chất hạt nhân tại một cơ sở mà Iran chưa khai báo ở nước này.

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, trong một báo cáo, IAEA bày tỏ quan ngại sâu sắc về các vật chất hạt nhân chưa khai báo có thể tồn tại ở địa điểm chưa công bố này và chưa được Iran khai báo theo Hiệp định Bảo đảm mà Tehran đã ký kết.

IAEA cho hay, sau 18 tháng, Iran vẫn chưa đưa ra lời giải thích cần thiết, đầy đủ và đáng tin cậy về mặt kỹ thuật đối với sự tồn tại của các vật chất hạt nhân.

[Đại giáo chủ Iran tuyên bố có thể làm giàu urani lên mức 60%]

Địa điểm nghi có cơ sở nêu trên thuộc quận Turquzabad ở Tehran, nơi Israel từng coi là cơ sở hoạt động nguyên tử bí mật của Iran.

Theo các nguồn tin, không có dấu hiệu cho thấy nơi này được dùng để làm giàu urani, song có thể được sử dụng để lưu trữ urani muộn nhất vào cuối năm 2018.

Trong báo cáo khác công bố ngày 23/2, IAEA cho biết kho lưu trữ urani được làm giàu của Iran hiện đã gấp hơn 14 lần mức quy định theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Cụ thể tới ngày 16/2, lượng urani đã làm giàu của Iran đạt 2.967,8 kg, trong khi theo thỏa thuận, mức giới hạn urani làm giàu của Iran chỉ là 300 kg dạng hỗn hợp (UF6), tương đương 202kg urani.

Theo các báo cáo mới nhất của IAEA được đưa ra cùng ngày, Iran đã bắt đầu hạn chế một số cuộc thanh sát của IAEA để đáp trả việc Mỹ từ chối dỡ bỏ các lệnh trừng phạt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục