IAEA kiểm tra biện pháp bảo vệ tàu ngầm hạt nhân của Australia

IAEA chuẩn bị xem xét kỹ lưỡng kế hoạch đóng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân theo quan hệ đối tác với Mỹ và Anh (AUKUS) của Canberra.
Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Người đứng đầu cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc sẽ tới Australia khi cơ quan này chuẩn bị xem xét kỹ lưỡng kế hoạch đóng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân theo quan hệ đối tác với Mỹ và Anh (AUKUS) của Canberra.

Phóng viên TTXVN tại Sydney dẫn nguồn tin Đài ABC ngày 2/7 tiết lộ Tổng giám đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi sẽ đến Australia trong tuần tới để hội đàm với các quan chức cấp cao tại Canberra và gặp Thủ tướng Anthony Albanese và Bộ trưởng Ngoại giao Penny Wong.

Tổng giám đốc IAEA dự kiến sẽ đến thăm trụ sở của Tổ chức Khoa học và Công nghệ Hạt nhân Australia tại lò phản ứng hạt nhân Lucas Heights ở Sydney.

Theo hãng truyền thông quốc gia Australia, chuyến thăm của ông Grossi sẽ tập trung vào các biện pháp bảo vệ mà theo quy định Australia sẽ phải áp dụng để đảm bảo chương trình tàu ngầm hạt nhân không gây ra bất kỳ rủi ro an toàn hoặc phổ biến hạt nhân nào.

Ông cũng dự kiến sẽ thảo luận về các tác động pháp lý của thỏa thuận AUKUS.

Là một bên ký kết Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân của IAEA, Australia sẽ phải chứng minh cho tổ chức này rằng việc chuyển giao công nghệ và vật liệu hạt nhân để cung cấp năng lượng cho các tàu ngầm không vi phạm thỏa thuận.

Hiệp ước không cấm sử dụng vật liệu hạt nhân cho động cơ đẩy hải quân hạt nhân và chính phủ liên bang Australia khẳng định rằng chương trình AUKUS không gây ra bất kỳ rủi ro phổ biến vũ khí nào và sẽ không vi phạm hiệp ước.

Tuy nhiên, năm ngoái, ông Grossi tuyên bố cả ba quốc gia tham gia AUKUS vẫn sẽ phải đạt được "thỏa thuận cụ thể với IAEA" theo một "quy trình rất, rất khắt khe."

Ông nói: "Điều này có nghĩa là chúng tôi và Australia, Hoa Kỳ và với Vương quốc Anh phải tham gia vào một cuộc đàm phán kỹ thuật rất phức tạp để bảo đảm rằng kết quả của việc này là không làm suy yếu cơ chế phi hạt nhân”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục