Ngày 19/5, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), ông Rafael Mariano Grossi, cho biết việc tháo dỡ nhà máy điện hạt nhân Fukushima đã đạt được "tiến bộ đáng kể."
Đây là phát biểu mới nhất của ông sau chuyến thị sát thực tế hai ngày nhằm đánh giá các nỗ lực tháo dỡ nhà máy điện này sau sự cố rò rỉ phóng xạ năm 2011 do thảm họa "kép" động đất sóng thần gây ra.
Tổng giám đốc IAEA nhấn mạnh ông "thực sự ấn tượng trước bước tiến vượt bậc đã được thực hiện trong năm qua, bất chấp đại dịch COVID-19. Mọi việc đang diễn ra thuận lợi."
Người đứng đầu cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc cũng cam kết các bên có thẩm quyền sẽ tiếp tục giám sát tiến trình ngừng hoạt động của nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
Tiến trình này được dự đoán sẽ kéo dài hàng thập kỷ và đã gặp nhiều khó khăn, trong đó có vấn đề tích tụ nước bị nhiễm phóng xạ.
[Nhật Bản buộc TEPCO bồi thường về sự cố rò rỉ hạt nhân Fukushima]
Sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 năm 2011 là sự cố hạt nhân nghiêm trọng nhất thế giới kể từ sau thảm họa Chernobyl ở Ukraine năm 1986.
Nguồn nước thải nhiễm phóng xạ phát sinh từ hai nguồn chính là nước bơm làm mát các thanh nhiên liệu nguyên tử bị tan chảy và nước mưa, nước ngầm chảy vào nhà máy trực tiếp tiếp xúc với thanh nhiên liệu hoặc hòa lẫn cùng nước nhiễm chất phóng xạ.
Ủy ban Quy chế năng lượng nguyên tử Nhật Bản đã tiến hành phân tách chất phóng xạ strontium và cesium, sau đó sử dụng hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến (ALPS) để tách tiếp 62 đồng vị phóng xạ khác ngoài chất Triti không thể phân tách.
Mới nhất, ngày 18/5, ủy ban này đã chấp thuận kế hoạch xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý của nhà máy điện nguyên tử Fukushima số 1 thuộc Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), do đánh giá kế hoạch của TEPCO đảm bảo tính an toàn.
Theo quy định, kế hoạch xả thải sẽ được đưa ra trưng cầu ý kiến người dân trong thời gian tới, trước khi được cơ quan này phê duyệt chính thức./.