Hy vọng về tiến trình hòa bình Trung Đông phai nhạt dần sau 25 năm

Một cái bắt tay trên thảm cỏ ở Nhà Trắng cách đây 25 năm đặt dấu mốc đầu tiên cho các hiệp ước Oslo mang tính bước ngoặt, làm dấy lên hy vọng hòa bình Israel-Palestine có thể đạt được.
Hy vọng về tiến trình hòa bình Trung Đông phai nhạt dần sau 25 năm ảnh 1Quang cảnh khu định cư Adam của Israel gần thành phố Ramallah, Bờ Tây. (Ảnh: AFP/TTXVN)

AFP đưa tin, một cái bắt tay trên thảm cỏ ở Nhà Trắng cách đây 25 năm đã đặt dấu mốc đầu tiên cho các hiệp ước Oslo mang tính bước ngoặt, làm dấy lên hy vọng rằng hòa bình giữa Israel và Palestine cuối cùng cũng có thể đạt được. Thế nhưng, 25 năm sau, niềm hy vọng đó đã phai nhạt dần.

Ngày 13/9/1993, Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin và Tổng thống Palestin Yasser Arafat đã bắt tay nhau, đánh dấu một sự kiện quan trọng là hiệp ước Oslo (thứ nhất) ra đời. Tuy nhiên, tại thời điểm này, dịp kỷ niệm sự kiện nói trên không còn được đa số người dân Israel hoặc Palestine nồng nhiệt chào đón bởi nhiều người trong số họ cho rằng tiến trình này chưa hoàn tất hoặc sai lầm ngay từ "trong trứng nước."

Thế nhưng, những người coi việc thành lập hai nhà nước Israel và Palestine cùng tồn tại bên cạnh nhau là giải pháp khả thi duy nhất, cho rằng việc khôi phục tiến trình hòa bình này cũng như những thành quả của các hiệp ước Oslo - hiệp ước thứ hai được ký kết năm 1995 - hiện giờ là nhiệm vụ cấp bách hơn bao giờ hết.

Ghaith al-Omari, một sinh viên người Palestine ở Jordan thời đó và hiện là thành viên cấp cao của Viện Washington về Chính sách Cận Đông, nói: "Đối với nhiều người trong chúng tôi, khi đó là thời khắc mang ý nghĩa quyết định. Đã có rất nhiều hy vọng - dù đó có thể là những hy vọng ngây thơ."

Ông Omari, từng là cố vấn của các nhà đàm phán Palestine trong các cuộc đàm phán sau này, tỏ ra không ảo tưởng về hiện trạng của tiến trình hòa bình này.

Trao đổi với AFP, ông nói: "Về lâu dài, sẽ chẳng thể tìm ra giải pháp nào ngoại trừ giải pháp hai nhà nước. Còn trong ngắn hạn, chắc chắn không có cơ hội để điều đó diễn ra."

Rất nhiều người có chung nhận định như Omari và cho rằng Israel, đang ngả sang khuynh hướng cánh tả chính trị, ban lãnh đạo Palestine yếu kém, còn các hành động của Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến cho tình hình thêm rối ren.

Ông Trump từng cam kết sẽ đạt được một "thỏa thuận cuối cùng" để mang lại nền hòa bình cho Israel và Palestine, thế nhưng ông lại không chịu chấp nhận giải pháp hai nhà nước.

[Quân đội Israel bắn chết một người Palestine vì phá hàng rào an ninh]


Ông cũng đứng về phía Israel trong các vấn đề then chốt vốn là nguyên nhân dẫn đến cuộc xung đột này, chẳng hạn như công nhận thành phố Jerusalem đang tranh chấp là thủ đô của Israel mà không buộc Israel phải có bất kỳ sự nhượng bộ nào đổi lại.

Những động thái này của Trump đã làm hài lòng các chính khách cánh tả của Israel - những người luôn phản đối việc thành lập một nhà nước Palestine và lập luận rằng các hiệp ước Oslo chỉ dẫn đến một phong trào intifada khác của người Palestine, từ đó kéo theo nhiều vụ bạo lực.

Người Palestine - vốn đã cắt các kênh liên lạc với Nhà Trắng của Trump - cho rằng Israel đã không tuân thủ các hiệp ước Oslo, bằng chứng là Israel đã cho phép thêm hàng trăm nghìn người định cư ở Bờ Tây, vùng đất mà họ đã chiếm đóng kể từ năm 1967.

Ban lãnh đạo Palestine cũng đang bị chia rẽ sâu sắc, giữa một bên là đảng Fatah của Tổng thống Mahmud Abbas và một bên là phong trào Hồi giáo Hamas, lực lượng đang kiểm soát Dải Gaza và từ chối công nhận Israel.

Benny Morris - một sử gia nổi tiếng của Israel - chỉ trích Israel đang thiên tả, nhưng tin rằng phía Palestine vẫn chưa sẵn sàng để chính thức chấp nhận giải pháp hai nhà nước.

Ông nói: "Tôi nghĩ rằng ban lãnh đạo của cả Israel lẫn Palestine đều đang có vấn đề. Israel nên sa thải ban lãnh đạo hiện nay, vốn không có khả năng thúc đẩy tiến trình hòa bình và không chấp nhận mô hình hai nhà nước như là cơ sở để kiến tạo hòa bình.

Còn phía Palestine cũng phải loại bỏ vai trò lãnh đạo của Hamas. Trong khi đó, ban lãnh đạo Fatah cũng chỉ giả vờ muốn có hòa bình chứ trong thâm tâm họ thực sự không mong muốn như vậy."

Hiệp ước Oslo năm 1993 nêu rõ rằng "đã đến lúc phải chấm dứt hàng thập kỷ đối đầu và xung đột" và "nỗ lực tìm cách chung sống trong hòa bình."

Mặc dù hiệp ước này không đề cập cụ thể đến việc thành lập nhà nước Palestine, song nó có đề cập đến các cơ chế tự quản, bao gồm cả Chính quyền Palestine.

Là một bên tham gia ký các hiệp ước Oslo, Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) đã công nhận Israel và Israel cũng công nhận PLO là đại diện hơp pháp của người Palestine.

Hy vọng về tiến trình hòa bình Trung Đông phai nhạt dần sau 25 năm ảnh 2Chuyển người biểu tình Palestine bị thương trong xung đột với binh sỹ Israel tại khu vực biên giới Dải Gaza với Israel ngày 15/5 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN)

Đây là thành tựu lớn thời kỳ đó, sau hàng thập kỷ thù địch giữa hai bên. Năm 1994, Thủ tướng Israel khi đó là Rabin, Chủ tịch PLO Arafat và Ngoại trưởng Israel Shimon Peres đã cùng được nhận chung giải Nobel Hòa bình. Tuy nhiên, kể từ đó, người dân Israel và Palestine vẫn bị ám ảnh bởi việc có thêm các thảm kịch.

Rabin đã bị một kẻ cực đoan cánh hữu người Israel ám sát năm 1995 và tiến trình quá độ kéo dài 5 năm theo hiệp ước Oslo - được cho là sẽ dẫn tới một giải pháp lâu dài - đã hết hạn mà không có một thỏa thuận nào thay thế.

Phong trào intifada thứ hai của người Palestine đã nổ ra năm 2000, và kể từ khi Hamas nắm quyền kiểm soát Dải Gaza năm 2007, phong trào này đã 3 lần tham chiến với Israel.

Israel đã tăng mạnh các hoạt động xây dựng khu định cư ở Bờ Tây, trên mảnh đất mà người Palestine coi là một phần của nhà nước của họ trong tương lai.

Hiện giờ, khoảng 600.000 người định cư Israel đang sinh sống ở đó và Đông Jerusalem, nơi người Palestine muốn trở thành thủ đô của họ.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hiện cũng lãnh đạo một chính phủ được coi là thiên tả nhất trong lịch sử Israel. Các thành viên quan trọng trong liên minh của ông muốn phần lớn khu Bờ Tây trở thành một phần của Israel, bất chấp những cảnh báo rằng điều đó sẽ dẫn tới một sự "phân biệt chủng tộc" với người Palestine tại đó.

Morris, người đã dành phần lớn thời gian để nghiên cứu về cuộc xung đột này, vẫn tin rằng giải pháp hai nhà nước là cách duy nhất có thể thúc đẩy tiến trình này, nhưng thừa nhận rằng tình hình hiện nay rất bi quan.

Ông nói: "Trước đây tôi từng nghĩ sẽ đạt được hòa bình giữa Israel và Palestine. Nhưng hiện giờ, tôi không còn lạc quan về điều đó nữa"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục