Hy vọng lại nhen nhóm khi Iran và nhóm P5+1 ngày 20/11 tái khởi động các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran.
Cuộc đàm phán mới ở Geneva (Thụy Sĩ) được dư luận mong đợi bởi tinh thần của cuộc đàm phán diễn ra hồi đầu tháng 11 vừa qua khiến cộng đồng quốc tế tin rằng hai bên đang tiến rất gần tới một thỏa thuận tạm thời.
Thỏa thuận này có thể sẽ khiến nền kinh tế đang phải vật lộn để phát triển của Iran "dễ thở" hơn và đổi lại Tehran phải hạn chế hoặc ngừng một phần chương trình hạt nhân.
Dù các bên ít nhiều đều tỏ ra lạc quan về triển vọng của vòng đàm phán sắp tới, song với những gì diễn ra trong những ngày qua, đặc biệt là các cuộc “mặc cả” giữa các bên trước thềm đàm phán, dường như hy vọng đạt được một thỏa thuận vẫn còn rất mong manh.
Vị tân tổng thống theo đường lối ôn hòa của Iran Hassan Rowhani chuẩn bị kỷ niệm 100 ngày lên nắm quyền và mục tiêu mà ông đặt ra là phải đạt được một thỏa thuận với phương Tây nhằm giảm bớt các lệnh trừng phạt để có thể vực dậy nền kinh tế yếu kém trong nước. Vì thế, ông đang phải đối mặt với áp lực lớn.
Điều kiện tiên quyết của Iran khi ngồi vào bàn đàm phán là phải có một sự thừa nhận rõ ràng bằng văn bản về quyền được làm giàu urani (vì mục đích dân sự) của nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Tehran cho rằng đàm phán sẽ chỉ đạt được thỏa thuận nếu quyền được thực hiện chương trình hạt nhân và làm giàu urani của Iran được đảm bảo.
Để chứng minh mục đích vì hòa bình của mình, ngày 11/11, Iran đã ký một thỏa thuận riêng với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho phép các chuyên gia giám sát hạt nhân tiếp cận một số cơ sở nhất định - một động thái được nhìn nhận là "sự cởi mở chưa từng thấy nhằm bắt đầu một kỷ nguyên hợp tác tích cực nhất với IAEA."
Trong mối quan hệ giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Anh, Pháp, Mỹ, Nga và Trung Quốc cùng với Đức), việc hai vòng đàm phán được tiến hành trong vòng chưa đầy một tháng cũng có thể xem là một tín hiệu tốt lành cho phép dư luận lạc quan về triển vọng đạt được thỏa thuận giữa Iran và các nước phương Tây.
Thay đổi hướng đi sau nhiều năm bảo vệ chương trình hạt nhân như biểu tượng dân tộc và muốn tìm cách khép lại vấn đề này với “một cái giá hợp lý,” liệu Tổng thống Rowhani có tạo được dấu ấn để kỷ niệm ngày cầm quyền thứ 100 của mình hay không?
Chưa thể có câu trả lời rõ ràng cho vấn đề này bởi trở ngại hiện nay chính là những mâu thuẫn và bất đồng giữa các nước trong nhóm P5+1.
Ngoại trưởng Thụy Điển Carl Bildt (Các Bin-tơ) đã phải thốt lên rằng một thỏa thuận giữa Iran và nhóm P5+1 giờ không còn phụ thuộc vào Tehran nữa mà là nội bộ các nước phương Tây và nếu đàm phán thất bại thì là do chính các nước này.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry từng tự tin rằng "có thể đạt được một thỏa thuận" khi các cuộc đối thoại được nối lại.
Theo đề xuất của Washington, Iran sẽ hạn chế số lượng và công suất các cơ sở làm giàu hạt nhân, khống chế mức làm giàu urani ở cấp độ 3,5% - tương đương các thanh nhiên liệu hiện đang được sử dụng cho các nhà máy điện hạt nhân trên thế giới, đủ để phục vụ cho các lò hạt nhân dân sự.
Đổi lại, Iran có thể được giảm nhẹ các lệnh trừng phạt kinh tế và được quyền tiếp cận trở lại các tài khoản của nước này hiện đang bị phong tỏa ở nước ngoài.
Tuy nhiên, việc Washington chìa tay với Iran đã khiến đồng minh số một của Mỹ ở Trung Đông, đồng thời cũng là kẻ thù "không đội trời chung" với Iran là Israel trở nên tức giận.
Trước những triển vọng giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran, Tel Aviv đã không công khai tuyên bố bằng mọi cách sẽ phá hỏng các cuộc đàm phán vì cho rằng thỏa thuận sẽ chỉ có lợi cho Iran và "ảnh hưởng tiêu cực đối với thế giới."
Israel và Saudi Arabia thậm chí đang tích cực chuẩn bị kế hoạch tấn công khẩn cấp Iran. Truyền thông thế giới cho rằng kịch bản này có thể xảy ra ngay cuối tuần này nếu một thỏa thuận không làm hài lòng Tel Aviv và Riyadh được ký kết tại Geneva.
Hai đồng minh của Mỹ này đều tin rằng các cuộc đàm phán không thể ngăn chặn khả năng sở hữu vũ khí hạt nhân của Tehran và vì thế Tel Aviv khăng khăng đòi Iran phải phá hủy hoàn toàn các cơ sở hạt nhân.
Pháp, nước tham gia đàm phán và có quan điểm cứng rắn nhất trong nhóm P5+1, cũng được xem là một trong những trở ngại chính đối với tiến trình thương lượng. Trong chuyến thăm Israel ngày 17/11, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã khẳng định quyết tâm phản đối việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Iran cho đến khi Tehran dừng hoàn toàn việc theo đuổi vũ khí hạt nhân.
Ông Hollande tái khẳng định với các nhân vật theo đường lối cứng rắn ở Israel 4 yêu cầu mà Iran cần đáp ứng trước khi thỏa thuận có thể được ký kết và các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ.
Các yêu cầu này bao gồm đặt các cơ sở hạt nhân của Iran dưới sự giám sát quốc tế, ngừng việc làm giàu urani ở mức 20%, giảm bớt dự trữ lượng urani đã làm giàu hiện có và ngừng hoàn toàn việc xây dựng một lò phản ứng nước nặng ở Arak.
Giới quan sát cho rằng việc Paris tỏ thái độ cứng rắn với Iran chủ yếu là để làm hài lòng các nước vùng Vịnh và gia tăng ảnh hưởng trong khu vực, từ đó được hưởng lợi từ các hợp đồng thương mại với các quốc gia này, đồng thời muốn duy trì những lợi ích mà Paris được hưởng từ các lệnh trừng phạt mà cộng đồng quốc tế áp đặt lên Iran.
Pháp cho rằng một khi lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, chắc chắn Mỹ sẽ không bỏ ngỏ thị trường béo bở này. Vì vậy, Pháp đã chuẩn bị sẵn mọi thứ để "mặc cả" với Mỹ trong việc phân chia thị trường Iran.
Rõ ràng, thái độ của Pháp đã thật sự đặt ra thách thức đối với những nỗ lực của nhóm P5+1 trong việc thúc đẩy đàm phán về vấn đề hạt nhân của Iran. Điều đó báo hiệu rằng cuộc đàm phán sắp tới sẽ vô cùng khó khăn./.