Đoàn đại biểu cấp cao Triều Tiên do Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Hội nghị Nhân dân Tối cao Triều Tiên Kim Yong-nam dẫn đầu, đã kết thúc chuyến thăm ba ngày tới Hàn Quốc tham dự lễ khai mạc Olympic mùa Đông PyeongChang 2018. Đây là một trong những hoạt động ngoại giao được triển khai theo thỏa thuận giữa hai miền Triều Tiên nhân sự kiện thể thao nói trên.
Mục đích ban đầu của chuyến thăm này chỉ đơn thuần mang ý nghĩa cỗ vũ đoàn vận động viên Triều Tiên tham gia thi đấu và thể hiện ý thức, trách nhiệm chung của Bình Nhưỡng đối với một trong những kiện thể thao quốc tế quan trọng nhất trong năm nay.
Song điều đáng nói là trong đoàn cấp cao của Triều Tiên tới Hàn Quốc lần này có bà Kim Yo-jong, em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Bà Kim Yo-jong là thành viên trong gia đình dòng họ Kim đầu tiên tới thăm Hàn Quốc kể từ sau chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.
Trong buổi tiếp xúc kéo dài ba giờ tại Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, bà Kim Yo-jong, với tư cách là đặc phái viên của ông Kim Jong-un, đã hoàn thành sứ mệnh chuyển bức thư kèm lời mời Tổng thống Moon Jae-in tới thăm Bình Nhưỡng "sớm nhất có thể" để tham dự hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba, sau hai lần hội nghị thượng đỉnh trước vào năm 2000 và 2007.
Lời mời là diễn biến mới nhất trong loạt "tín hiệu tan băng" giữa hai miền Triều Tiên sau các cuộc trình diễn được đánh giá rất cao của đoàn nghệ thuật Triều Tiên tại Hàn Quốc, cũng như cuộc diễu hành chung của đoàn vận động viên hai miền Triều Tiên dưới lá cờ thống nhất trong lễ khai mạc hay các vận động viên Triều Tiên và Hàn Quốc tham gia đội tuyển chung thi đấu bộ môn khúc côn cầu trên băng.
Tuy chưa đưa ra hồi đáp chính thức, Tổng thống Moon Jae-in bày tỏ hy vọng trong tương lai sẽ có nhiều cơ hội thuận lợi để xúc tiến chuyến thăm theo đề xuất của Bình Nhưỡng. Phía Hàn Quốc mô tả đây là tín hiệu cải thiện quan hệ song phương giữa hai miền Triều Tiên. Trong khi đó, truyền thông nhà nước Triều Tiên đã ca ngợi chuyến thăm "đầy ý nghĩa" nói trên tới Hàn Quốc và góp phần cải thiện quan hệ liên Triều vốn đang bị đình trệ.
Theo đề xuất của Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yon, hai miền Triều Tiên cần tích cực hợp tác nhằm tạo điều kiện thích hợp cho cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều. Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wa cho biết Seoul có kế hoạch thúc đẩy nỗ lực ngoại giao đảm bảo các cuộc đối thoại giữa hai miền Triều Tiên sẽ dẫn đến các cuộc thương lượng giữa Mỹ và Triều Tiên và một loạt cuộc đối thoại khác nhằm phi nhạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.
Về phần mình, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Hội nghị Nhân dân Tối cao Triều Tiên Kim Yong-nam bày tỏ tin tưởng quan hệ giữa hai miền Triều Tiên sẽ cải thiện theo hướng tích cực và sớm tiến tới ngày thống nhất đất nước.
Vào thời điểm này, bất kỳ cuộc gặp gỡ nào giữa hai miền Triều Tiên đều được coi là bước đột phá ngoại giao to lớn cho Tổng thống Moon, người lên nắm quyền vào năm ngoái với chủ trương hòa giải với Triều Tiên và thúc đẩy giải pháp ngoại giao cho tình trạng bế tắc liên quan tới chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
[Hàn Quốc xem xét biện pháp ngoại giao sau đề xuất của Triều Tiên]
Bình luận về sự cải thiện trong quan hệ giữa hai miền Triều Tiên trong sự kiện thể thao lần này, giáo sư Jay Song, giảng viên cao cấp làm việc tại Viện châu Á thuộc Đại học Melbourne (Australia), nhận định rằng Tổng thống Moon Jae-in muốn sử dụng vai trò nước chủ nhà Olympic PyeongChang 2018 để làm mới quan hệ liên Triều, vốn căng thẳng hơn 10 năm qua dưới thời hai chính phủ bảo thủ. Theo ông, đây là bước đi nhỏ nhưng lại là sự khởi đầu quan trọng, đặt nền móng mới cho triển vọng hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.
Những gì đã và đang diễn ra trên Bán đảo Triều Tiên mở ra triển vọng cho việc tiến hành hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên trong 10 năm qua, đánh dấu sự thay đổi bước ngoặt trong quan hệ giữa hai miền sau nhiều năm căng thẳng do các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, triển vọng biến các cơ hội hòa hoãn ngoại giao thành giải pháp đột phá sẽ là điều không dễ dàng bởi tình hình hiện tại so với thời điểm 10 năm trước hoàn toàn khác biệt khi Bình Nhưỡng đã tiến bộ vượt bậc trong chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa.
Kể từ năm 2006 đến nay, Triều Tiên đã tiến hành tổng cộng sáu vụ thử hạt nhân, trong đó có vụ thử hạt nhân có sức công phá lớn nhất năm 2017. Trong năm 2017, Triều Tiên đã phóng ba tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Ngoài ra, việc Triều Tiên mời nhà lãnh đạo Moon Jae-in thăm chính thức Bình Nhưỡng có thể khiến nhà lãnh đạo Hàn Quốc rơi vào tình thế buộc phải cân bằng giữa việc cải thiện quan hệ liên Triều mà không làm tổn hại quan hệ đồng minh gần gũi với Mỹ và sự đoàn kết của cộng đồng quốc tế trong việc gia tăng sức ép buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Cũng đến dự lễ khai mạc Olympic PyeongChang, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã tìm mọi cách để tránh gặp các quan chức Triều Tiên, thậm chí còn từ chối bắt tay họ tại lễ khai mạc. Các cử chỉ đó rõ ràng đi ngược lại các nỗ lực của Hàn Quốc muốn hòa giải với Triều Tiên, và làm dấy lên nhiều quan ngại ở Seoul rằng chiến dịch “làm lành”giữa hai miền Triều Tiên sẽ không kéo dài.
Nếu trong tương lai gần, tình hình trên bán đảo Triều Tiên quay trở lại như trước khi diễn ra Olympic PyeongChang 2018, khi mà các cuộc tập trận chung Hàn-Mỹ được nối lại và các vụ thử tên lửa của Triều Tiên, đặc biệt là thử hạt nhân, lại xảy ra, sẽ rất khó có cơ hội để Tổng thống Moon Jae-in thực hiện chuyến thăm tới thăm Triều Tiên.
Theo nhận định Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis, còn quá sớm để có thể khẳng định hoạt động ngoại giao giữa hai miền Triều Tiên tại Olympic mùa Đông PyeongChang 2018 mang lại nhiều kết quả tích cực.
Người đứng đầu Lầu Năm Góc nêu rõ: "Còn quá sớm để nói đến việc tận dụng sự kiện thể thao Olympic để giảm căng thẳng, hay những diễn biến tích cực sẽ còn kéo dài cho đến khi sự kiện thể thao này kết thúc, chúng ta không thể nói gì bây giờ"./.