Lần đầu tiên, các nhà khoa học đã phát hiện rằng những san hô được cho là đã chết do áp lực nhiệt, đã hồi phục trở lại, mở ra một tia hy vọng cho loài sinh vật biển bị đe dọa bởi hiện tượng biến đổi khí hậu trên thế giới này.
Phát hiện trên đã được đăng tải trên tạp chí Science Advances số ra ngày 9/10.
Nhà khoa học Diego K.Kersting thuộc Đại học Freie của Berlin (Đức) và Đại học Barcelona (Tây Ban Nha) đã phát hiện ra hiện tượng trên trong chuyến lặn ở vùng biển của Tây Ban Nha ở Địa Trung Hải.
Kể từ năm 2002, nhà khoa học Kersting và đồng tác giả nghiên cứu này Cristina Linares đã tiến hành theo dõi trong một thời gian dài đối với 243 quần thể san hô Cladocora caespitosa.
Trong báo cáo trước đây, họ đã mô tả là các quần thể san hô này đã chết hàng loạt do hiện tượng ấm lên của Trái Đất. Tuy nhiên, vào thời điểm này, trong chuyến lặn mới đây, các nhà khoa học ngạc nhiên khi phát hiện thấy những polip đang sinh trưởng trong các quần thể san hô từng được cho là hoàn toàn chết trước đây.
San hô là các sinh vật biển được cấu thành bởi hàng trăm đến hàng nghìn các sinh vật nhỏ được gọi là polip nhỏ xíu. Chúng là những cá thể tiết ra cacbonat canxi để tạo bộ xương cứng (còn gọi là đá vôi) và tự bám vào đáy đại dương.
[Australia lắp "mắt thần" bảo vệ rạn san hô lớn nhất thế giới]
Các đợt sóng ấm lên bất thường khiến các sinh vật này chết nóng hoặc khiến các loài tảo cộng sinh sống trong tế bào và cung cấp dinh dưỡng cho san hô bị cuốn đi khiến san hô bị phá hủy, hay còn gọi là hiện tượng tẩy trắng san hô. Đảo Columbretes của Tây Ban Nha đã mất 1/4 quần thể san hô do đợt nắng nóng kinh hoàng năm 2003.
Các nhà khoa học phát hiện thấy 38% trong số các quần thể san hô bị chết, polip đã áp dụng chiến lược sinh tồn bằng cách thu nhỏ kích cỡ, từ bỏ một phần bộ xương ban đầu của mình.
Trong một giai đoạn kéo dài vài năm sau đó, chúng sinh trưởng trở lại và bắt đầu hình thành bộ xương mới. Tiếp đó, chúng có thể dần tái chiếm các diện tích san hô chết trước kia và bắt đầu phát triển.
Theo nhà khoa học Kersting, phát hiện này mở ra khả năng các san hô khác trên thế giới, như rạn san hô Great Barrier của Australia, sẽ áp dụng chiến lược sinh tồn tương tự này, làm dấy lên tia hy vọng ngăn chặn tình trạng các rạn san hô bị tuyệt chủng do tình trạng ấm lên của Trái Đất.
Nhà khoa học Kersting cho rằng vấn đề này cần dược điều tra thêm, đồng thời kêu gọi các nước hành động nhằm chấm dứt tình trạng ấm lên của Trái Đất.
San hô đóng vai trò rất quan trọng trong hệ sinh thái biển, là nơi trú ngụ cho hàng trăm loài cá và thực vật biển./.