Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras cuối tuần qua cho biết chính phủ nước này và các nhà tài trợ quốc tế đã bước vào giai đoạn cuối của quá trình đàm phán về thỏa thuận cứu trợ.
Tuy nhiên, nhiều vấn đề vẫn chưa được thống nhất, và Hy Lạp vẫn giữ lập trường cứng rắn rằng có những giới hạn trong việc chấp nhận những yêu cầu được đưa ra, khi Hy Lạp đã làm tất cả những nhượng bộ có thể và người Hy Lạp không thể "thắt lưng buộc bụng" thêm nữa.
Ông Tsipras cho rằng một thỏa thuận giữa Hy Lạp với các nhà tài trợ châu Âu phải là kết quả của sự nhượng bộ lẫn nhau và khi Hy Lạp đã làm những gì cần làm, giờ đến lượt các đối tác phải làm việc đó. Ông Tsipras nêu rõ rằng Hy Lạp có những bước đi nhằm tìm kiếm tiếng nói chung, nhưng cũng có những giới hạn đỏ không được vượt qua.
Ông khẳng định Hy Lạp sẽ không chấp nhận những yêu cầu vô lý về thuế giá trị gia tăng (VAT), lương hưu và thị trường lao động. Ông nói rằng một thỏa thuận có lợi cho các bên cần bao gồm hạ thấp mục tiêu về thặng dư ngân sách sơ cấp của Hy Lạp và tái cơ cấu nợ.
Sau bốn tháng đàm phán với Liên minh châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Hy Lạp đang nỗ lực cho việc đạt thỏa thuận mở đường cho việc giải ngân 7,2 tỷ euro (7,9 tỷ USD) còn lại trong chương trình cứu trợ 240 tỷ euro để tránh bị phá sản trong khi vẫn đứng ngoài các thị trường trái phiếu.
Để đổi lấy số tiền cứu trợ còn lại này, các nhà tài trợ đang yêu cầu Hy Lạp phải chấp nhận các cải cách mạnh mẽ và cắt giảm chi tiêu. Các cuộc đàm phán đang mắc kẹt ở các vấn đề về lương hưu, cải cách về lao động, các mục tiêu tài chính và việc tăng VAT. Theo các báo cáo, các chủ nợ cũng đang yêu cầu Hy Lạp cắt giảm ngân sách thêm 5 tỷ euro.
Hy Lạp đang đối mặt với một loạt các đợt thanh toán nợ bắt đầu vào tháng tới, những nghĩa vụ gần như là bất khả thi với nước này nếu không nhận được thêm tiền cứu trợ. Việc không thể thanh toán các khoản nợ đó sẽ đẩy Hy Lạp đến chỗ vỡ nợ và tăng khả năng nước này phải ra khỏi Eurozone./.