Hy Lạp tuyên bố bước sang trang mới sau khủng hoảng nợ

Người phát ngôn chính phủ Hy Lạp khẳng định "Hy Lạp đang bước sang một trang mới, người dân Hy Lạp có thể mỉm cười và hít thở trở lại khi vấn đề nợ của quốc gia đã được giải quyết."
Hy Lạp tuyên bố bước sang trang mới sau khủng hoảng nợ ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: athensguide.com)

Chính phủ Hy Lạp ngày 22/6 tuyên bố nước này "đang bước sang một trang mới" sau khi các Bộ trưởng Tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nhất trí giảm nợ và giải ngân khoản cuối cùng trong gói cứu trợ thứ ba trị giá 86 tỷ euro. 

Người phát ngôn chính phủ Hy Lạp Dimitris Tzanakopoulos khẳng định "Hy Lạp đang bước sang một trang mới, người dân Hy Lạp có thể mỉm cười và hít thở trở lại khi vấn đề nợ của quốc gia đã được giải quyết." 

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi các Bộ trưởng Tài chính Eurozone cũng ngày tuyên bố cuộc khủng hoảng nợ tại Hy Lạp đã chấm dứt.

Hy Lạp dự kiến sẽ rời khỏi chương trình cứu trợ vào ngày 20/8 tới. Thỏa thuận nêu trên là một bước ngoặt quan trọng đối với khu vực Eurozone sau gần một thập niên kể từ cuộc khủng hoảng tại Hy Lạp đã khiến thế giới choáng váng vì những khoản chi tiêu vượt tầm kiểm soát.

[Eurozone xác nhận Hy Lạp đã thoát khỏi khủng hoảng nợ]

Chính cuộc khủng hoảng này đã dẫn đến ba gói cứu trợ và từng đẩy đồng euro đến bên bờ vực sụp đổ.

Theo thỏa thuận, các Bộ trưởng Tài chính Eurozone chấp nhận gia hạn thêm 10 năm cho phần lớn trong tổng khoản nợ bắt buộc của Hy Lạp đã lên tới tương đương 180% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Các chủ nợ khu vực Eurozone cũng đã đồng ý giải ngân 15 tỷ euro (17,5 tỷ USD) để hỗ trợ Hy Lạp rời khỏi chương trình cứu trợ một cách thuận lợi hơn. Điều này cũng giúp Hy Lạp có một vùng “đệm an toàn” khổng lồ trị giá 24 tỷ euro.

Hy Lạp đã phải thực hiện nhiều biện pháp cải cách và "thắt lưng buộc bụng" bị người dân phản đối để đổi lấy 3 gói cứu trợ với tổng trị giá lên tới 273 tỷ euro từ Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Song những cải cách nghiêm ngặt này đã trở thành một “tảng đá” đè nặng lên Hy Lạp khi nền kinh tế nước này đã suy thoái gần 25% chỉ trong vài năm còn tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt.

Nhưng sau một thời gian thực hiện cải cách, nền kinh tế Hy Lạp đã dần ổn định và dự báo sẽ tăng trưởng ở mức khiêm tốn trong năm nay. Hồi đầu tháng này, Cơ quan Thống kê Hy Lạp (ELSTAT) cho biết GDP quý I năm 2018 của nước này tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước.

Theo số liệu đã điều chỉnh, xuất khẩu của Hy Lạp quý I vừa qua tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước, trong khi nhập khẩu các sản phẩm và dịch vụ giảm 2,8%.

Tuy nhiên, sau khi chương trình cứu trợ kết thúc, Hy Lạp sẽ vẫn bị dưới đặt sự giám sát của các chủ nợ và phải tuân theo các điều khoản nghiêm ngặt hơn hẳn so với các nước cũng được cứu trợ khác như Bồ Đào Nha, Ireland và Cộng hòa Cyprus./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục