Hy Lạp thông qua kế hoạch tư nhân hóa ngành điện gây tranh cãi

Các nghị sỹ Hy Lạp thông qua kế hoạch giải thể và tư nhân hóa nhà cung cấp điện chính của nước này bất chấp biểu tình phản đối bên ngoài trụ sở Quốc hội.
Hy Lạp thông qua kế hoạch tư nhân hóa ngành điện gây tranh cãi ảnh 1Công nhân Tập đoàn điện lực PPC biểu tình ở Athens. (Nguồn: EPA)

Các nghị sỹ Hy Lạp ngày 9/7 đã thông qua kế hoạch giải thể và tư nhân hóa nhà cung cấp điện chính của nước này bất chấp biểu tình phản đối bên ngoài trụ sở Quốc hội.

Dự luật tư nhân hóa trên được thông qua với sự ủng hộ của đa số nghị sỹ liên minh cầm quyền, theo đó giải thể Tập đoàn điện lực PPC, vốn thuộc quyền sở hữu nhà nước, vào năm 2015; cho phép công ty tư nhân mới kiểm soát 30% cổ phần của PPC, gồm tài nguyên hầm mỏ, thủy điện, khí đốt tự nhiên và các nhà máy phát điện đốt than.

Nhà nước Hy Lạp cũng cam kết bán 17% trong 51% cổ phần của nhà nước nắm giữ trong tập đoàn PPC.

Giới chức Hy Lạp cho hay kế hoạch tư nhân hóa PPC nằm trong chương trình thực hiện chính sách kinh tế khắc khổ và cải cách đã ký với các chủ nợ từ năm 2010, nhằm đưa nền kinh tế nước này thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ. Đây là một yêu cầu quan trọng mà Athens phải thực hiện để đổi lấy các khoản giải ngân tiếp theo từ các định chế cho vay gồm Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Tuy nhiên, động thái này đã gặp phải sự chỉ trích gay gắt từ đảng đối lập và các nghiệp đoàn lao động.

Thủ lĩnh đảng đối lập chính Alexis Tsipras thuộc đảng Syriza cánh tả cấp tiến cho rằng kế hoạch giải thể PPC là một "tội ác quốc gia" đồng thời kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý chống lại quyết định trên.

Trong khi đó, Chủ tịch Đảng Cộng sản Dimitris Koutsoumbas nhấn mạnh rằng luật mới sẽ đẩy nhanh việc mở rộng tự do thị trường năng lượng, đẩy giá điện tăng cao trong khi lương công nhân lại bị cắt giảm.

Trước đó, ngày 7/7, dựa trên những tiến bộ mà Hy Lạp đạt được trong thời gian qua, bao gồm việc triển khai hàng loạt cải cách do các chủ nợ yêu cầu, Nhóm Bộ trưởng Tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), còn gọi là Eurogroup, đã quyết định giải ngân 1 tỷ euro (khoảng 1,36 tỷ USD) cho nước này trong khuôn khổ Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu (EFSF) phối hợp giữa EU và IMF.

Kể từ khi bùng nổ cuộc khủng hoảng nợ công năm 2010, Hy Lạp được nhận 2 khoản vay từ EU và IMF với tổng giá trị lên tới 240 tỷ euro (312 tỷ USD)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục