Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ cam kết giải quyết căng thẳng thông qua đối thoại

Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp căng thẳng trong nhiều thập kỷ qua, liên quan vấn đề đảo Cyprus với những mâu thuẫn giữa 2 cộng đồng người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ và người Cyprus gốc Hy Lạp.
Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ cam kết giải quyết căng thẳng thông qua đối thoại ảnh 1Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (phải) và Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras. (Nguồn: ekathimerini.com)

Ngày 5/2, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras khẳng định sẽ giải quyết tranh chấp giữa hai nước thông qua đối thoại.

Tuyên bố trên được đưa ra tại dinh Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tại Ankara trong cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra trong khuôn khổ chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ của Thủ tướng Hy Lạp.

Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Tsipras nói: "Tôi rất hài lòng khi các kênh liên lạc (với Thổ Nhĩ Kỳ) được mở để chúng tôi có thể tiến hành các bước đi mang tính xây dựng hơn, kêu gọi một mối quan hệ dựa trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và hiểu các vấn đề của nhau."

Về phần mình, Tổng thống Erdogan khẳng định: "Chúng tôi tin rằng mọi vấn đề có thể được giải quyết thông qua đối thoại."

Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp căng thẳng trong nhiều thập kỷ qua, liên quan vấn đề đảo Cyprus với những mâu thuẫn giữa 2 cộng đồng người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ và người Cyprus gốc Hy Lạp, cũng như chủ quyền đối với không phận và lãnh hải ở Biển Aegean.

Hy Lạp nhận chủ quyền đối với vùng biển và không phận gần bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ mà Athens cho là dựa trên các hiệp ước thời hậu chiến, điều mà Ankara luôn bác bỏ.

Năm 1996, tranh chấp dai dẳng từng đẩy 2 nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) này đến bờ vực chiến tranh.

Biên giới giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ được kiểm soát chặt chẽ sau sự bùng phát làn sóng người di cư đổ vào châu Âu năm 2015, kèm theo các mối đe dọa khủng bố. Động thái này càng làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước.

Tháng 12/2017, Tổng thống Erdogan thăm Hy Lạp, trở thành Tổng thống đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ thăm Hy Lạp trong vòng 65 năm.

Trong khi đó, chuyến thăm lần này của ông Tsipras là chuyến thăm thứ hai của ông đến Thổ Nhĩ Kỳ trong vòng 4 năm trên cương vị Thủ tướng Hy Lạp.

Tháng Tám năm ngoái, một tòa án Thổ Nhĩ Kỳ đã ra lệnh trả tự do cho 2 binh sỹ Hy Lạp bị Ankara bắt giữ hồi tháng Ba với cáo buộc xâm nhập lãnh thổ trái phép.

Đây được coi là một trong những động thái giúp cải thiện mối quan hệ căng thẳng giữa hai quốc gia đồng minh NATO này.

Thủ tướng Hy Lạp Tsipras đã lên tiếng hoan nghênh quyết định trên, cho rằng đây là một "hành động công lý", góp phần thúc đẩy tình hữu nghị, quan hệ láng giềng tốt đẹp và sự ổn định trong khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục