Hy Lạp thành lập bộ chuyên trách chính sách di cư

Bộ Nhập cư và tị nạn, giúp triển khai chính sách nhập cư nhanh chóng hơn trong bối cảnh quốc gia ven biển Địa Trung Hải này đang chật vật ứng phó với làn sóng người di cư tăng trở lại.
Hy Lạp thành lập bộ chuyên trách chính sách di cư ảnh 1Người tị nạn trên đảo Lesbos của Hy Lạp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 14/1, Hy Lạp thông báo thành lập Bộ Nhập cư và tị nạn, giúp triển khai chính sách nhập cư nhanh chóng hơn trong bối cảnh quốc gia ven biển Địa Trung Hải này đang chật vật ứng phó với làn sóng người di cư tăng trở lại trong thời gian qua.

Lâu nay, một cơ quan thuộc Bộ Bảo vệ Dân sự Hy Lạp phụ trách giải quyết các vấn đề liên quan tới nhập cư. Nhưng kể từ khi thành lập sau cuộc bầu cử hồi tháng 7/2019, chính phủ bảo thủ mới tại quốc gia này đã công bố các kế hoạch đóng cửa các trại tị nạn quá tải trên các đảo của Hy Lạp và thay thế bằng những trung tâm tạm giữ có quy định nghiêm ngặt hơn, chủ yếu ở trong đất liền.

Chính phủ mới cũng cam kết triển khai thêm nhân viên an ninh biên giới để ngăn chặn hoàn toàn những người nhập cư không được phép ở lại.

Phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia ERT TV, người phát ngôn chính phủ Hy Lạp Stelios Petsas cho biết điều cần thiết lúc này là phải đẩy nhanh việc triển khai kế hoạch trên.

[Cướp biển tấn công tàu chở dầu Hy Lạp neo đậu ở cảng biển Cameroon]

Chính phủ đã chỉ định Thứ trưởng Bộ các vấn đề Lao động xã hội Notis Mitarachi làm lãnh đạo của Bộ Nhập cư và tị nạn mới thành lập.

Hy Lạp là cửa ngõ chính vào các nước Liên minh châu Âu (EU) của hơn một triệu người di cư chạy trốn khỏi xung đột ở quê nhà trong giai đoạn 2015-2016.

Chính phủ nước này cũng đối mặt với rất nhiều khó khăn trong việc hỗ trợ hàng trăm người di cư tới từ vùng biển nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ mỗi ngày.

Theo số liệu thống kê mới nhất, tại Hy Lạp, hơn 39.000 người di cư đang phải sống trong điều kiện tồi tệ ở các khu trại vốn chỉ có sức chứa tổng cộng khoảng 6.200 người.

Hôm 20/11/2019, Chính phủ Hy Lạp thông báo đóng cửa các trại tị nạn đông đúc và tồi tàn hiện nay trên các đảo Lesbos, Chios và Samos và thay bằng các cơ sở mới có sức chứa 5.000 người mỗi trại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục