Hy Lạp sẵn sàng khởi động "kế hoạch B" cho vấn đề người di cư

Bộ trưởng Nhập cư Hy Lạp tuyên bố Athens đang chuẩn bị mọi phương án cho trường hợp khẩn cấp và sẵn sàng khởi động "kế hoạch B" nếu tất cả các quốc gia láng giềng đều đóng cửa biên giới với nước này.
Người di cư tại khu vực biên giới Hy Lạp-Macedonia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 28/2, Bộ trưởng Nhập cư Hy Lạp Yannis Mouzalas tuyên bố Athens đang chuẩn bị mọi phương án cho trường hợp khẩn cấp và sẵn sàng khởi động "kế hoạch B" nếu tất cả các quốc gia láng giềng đều đóng cửa biên giới với nước này.

Phát biểu trên truyền hình, ông Mouzalas cho biết Hy Lạp đã trình kế hoạch khẩn cấp lên Liên minh châu Âu (EU), trong đó yêu cầu hỗ trợ thêm 450 triệu euro để tăng cường số trại tạm trú cho người di cư có thể bị mắc kẹt tại đây do các quốc gia khác đóng cửa biên giới.

Trong tuần qua, các nước thuộc khu vực Balkan tiếp tục tăng cường kiểm soát biên giới sau khi Áo giới hạn số người di cư vào quốc gia này. Đây là nguyên nhân khiến số người di cư mắc kẹt tại Hy Lạp tăng lên hơn 20.000 người chỉ trong vòng vài ngày.

Chính phủ Hy Lạp dự báo con số này có thể tăng lên hơn 70.000 người trong vòng 1 tháng tới khi số người di cư vượt biển Aegean từ Thổ Nhĩ Kỳ dồn về đây vẫn không có dấu hiệu giảm đi.

Cùng ngày, nhiều người di cư cùng với gia đình, con cái bị mắc kẹt tại Hy Lạp đã nằm lên các đường ray đường sắt ở khu vực biên giới phía Bắc Hy Lạp giáp với Macedonia để gây sức ép được tiếp tục hành trình tới quốc gia mà họ mong muốn.

Hàng trăm người di cư đã tập trung trên các tuyến đường sắt của khu vực, biểu tình yêu cầu mở cửa biên giới, nhiều người thậm chí đe dọa tuyệt thực.

Trong năm ngoái, hơn 1 triệu người di cư, tị nạn chiến tranh đã tới Hy Lạp để tìm đường tới các quốc gia Trung và Đông Âu. Hầu hết trong số này đi qua các quốc gia trên lộ trình Balkan.

Vì vậy, việc các quốc gia Balkan xây dựng các rào chắn và tăng cường kiểm soát biên giới đã khiến hàng nghìn người mắc kẹt tại thủ đô Athens hoặc trên các tuyến đường cao tốc nối giữa Athens và miền Bắc nước này.

Dù đã lập thêm 7 trại tiếp nhận tị nạn và được sự trợ giúp của rất nhiều tổ chức nhân đạo và các nhà từ thiện, chính quyền các địa phương vẫn tiếp tục vấp phải nhiều khó khăn trong việc bố trí chỗ ở cho người di cư. Nhiều người thậm chí còn phải ở trong những trại tị nạn tạm bợ hay lang thang trên các tuyến đường nhiều ngày qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục