Hy Lạp phản đối kế hoạch khoan thăm dò dầu khí của Thổ Nhĩ Kỳ

Bộ trưởng Ngoại giao Hy Lạp Nikos Dendias ngày 1/6 tuyên bố việc Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành “thăm dò dầu khí" ở khu vực thềm lục địa Hy Lạp là hành động phi pháp.
Hy Lạp phản đối kế hoạch khoan thăm dò dầu khí của Thổ Nhĩ Kỳ ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: ekathimerini.com)

Hy Lạp ngày 1/6 đã chỉ trích kế hoạch khoan dầu của Thổ Nhĩ Kỳ ở Đông Địa Trung Hải, mô tả đây là “hành động khiêu khích mới."

Đây là bất đồng mới nhất trong một loạt bất đồng giữa hai nước láng giềng này trong những tháng gần đây.

Thổ Nhĩ Kỳ ngày 29/5 cho biết họ có kế hoạch khoan thăm dò dầu khí ở Đông Địa Trung Hải trong 3 hoặc 4 tháng.

Động thái này diễn ra sau khi Ankara năm 2019 ký thỏa thuận gây tranh cãi với Chính phủ Libya được Liên hợp quốc công nhận ở Tripoli, vốn tuyên bố chủ quyền đối với nhiều vùng biển rộng lớn để dành cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Thỏa thuận đã chọc giận các nước láng giềng, trong đó có Hy Lạp vốn cáo buộc thỏa thuận đã không tính tới hòn đảo này.

Thành viên Liên minh châu Âu (EU), Síp cũng bày tỏ tức giận trước việc Thổ Nhĩ Kỳ đã phái tàu đến thăm dò dầu khí ngoài khơi hòn đảo bị chia cắt này.

EU đã nhiều lần kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt hoạt động thăm dò dầu khí ngoài khơi đảo Síp, cho rằng hành động này là bất hợp pháp vì xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của đảo Síp.

Bộ trưởng Ngoại giao Hy Lạp Nikos Dendias ngày 1/6 tuyên bố việc Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành “thăm dò dầu khí ở khu vực thềm lục địa Hy Lạp là một phần trong loạt các hành động của nước láng giềng nhằm từng bước chiếm đoạt quyền chủ quyền của Hy Lạp. Hành động phi pháp của Thổ Nhĩ Kỳ không tôn trọng chủ quyền của Hy Lạp dựa trên luật pháp quốc tế và luật hàng hải."

Ông Dendias nói thêm Hy Lạp “sẵn sàng đối mặt với hành động khiêu khích mới này, nếu Thổ Nhĩ Kỳ cố tình thực hiện nó.”

Được biết, Hy Lạp vào tối 1/6 đã triệu Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tới Bộ Ngoại giao nước này để phản đối.

Trước đó, quan hệ Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ đã căng thẳng sau khi Thổ Nhĩ Kỳ khuyến khích hàng chục nghìn người di cư tìm cách vượt qua biên giới với Hy Lạp để vào EU./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục