Hy Lạp muốn tăng tốc thực hiện cải cách để thoát khỏi giám sát

Theo Thủ tướng tái đắc cử Hy Lạp ngày 3/10, Athens cần đẩy nhanh tiến trình thực hiện các cải cách theo thỏa thuận của cứu trợ tài chính trị giá 86 tỷ euro.
Hy Lạp muốn tăng tốc thực hiện cải cách để thoát khỏi giám sát ảnh 1Thủ tướng tái đắc cử Alexis Tsipras của Hy Lạp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thủ tướng tái đắc cử Alexis Tsipras của Hy Lạp ngày 3/10 nói rằng Athens cần đẩy nhanh tiến trình thực hiện các cải cách theo thỏa thuận của chương trình cứu trợ tài chính trị giá 86 tỷ euro mà nước này đã đạt được với các chủ nợ quốc tế hồi tháng Tám vừa qua.

Theo Thủ tướng, việc đẩy nhanh tiến trình cải cách trên nhằm thoát khỏi sự giám hộ của châu Âu và tái tiếp cận các thị trường tài chính toàn cầu, từ đó đưa kinh tế đất nước quay lại quỹ đạo tăng trưởng.

Theo đó, việc thực hiện các biện pháp cải cách thuế, hưu trí, y tế, lĩnh vực tài chính và dịch vụ công trước ngày 15/11 tới là điều kiện để xứ sở các vị Thần được giải ngân số tiền viện trợ tiếp theo trong gói cứu trợ và tiếp nhận sự giúp đỡ trong quá trình tái cấp vốn hệ thống ngân hàng yếu kém của đất nước.

Thủ tướng Tsipras, sau khi tuyên thệ nhậm chức, đã khẳng định với các nhà lập pháp của đảng Syriza rằng Hy Lạp cần nhanh chóng hoàn thiện đợt đánh giá đầu tiên của gói cứu trợ một cách sớm nhất để “mở đường” cho các cuộc đàm phán về tái cơ cấu các khoản nợ.

Thủ tướng Tsipras cho hay việc thực hiện các biện pháp cải cách sẽ không dễ dàng song Hy Lạp có nghĩa vụ phải thực hiện chúng. “Đây là việc cần làm để đưa Athens ra khỏi hệ thống giám sát của châu Âu và bắt đầu các cuộc thảo luận về vấn đề nợ.”

Vào cuối tháng ​Mười, bộ ba chủ nợ quốc tế (hay còn gọi là “troika”) sẽ đánh giá tiến trình tuân thủ chương trình cải cách mà Athens đã cam kết và kết quả của cuộc kiểm toán này là điều kiện để “troika” tiếp tục giải ngân thêm 3 tỷ euro (khoảng 3,3 tỷ USD) cho Hy Lạp.

Quốc hội Hy Lạp sẽ sửa đổi ngân sách năm 2015 của đất nước theo những cải cách đã cam kết, trong đó các loại thuế đánh vào thu nhập của nông dân sẽ tăng gấp đôi vào năm 2017.

Bên cạnh đó, Athens cũng phải hoàn thành quy trình tái cấp vốn cho hệ thống ngân hàng Hy Lạp trước tháng 12 tới khi các quy định mới về giải cứu ngân hàng của EU có hiệu lực vào năm 2016 chắc sẽ tác động đến hoạt động tiền gửi tại các ngân hàng.

Trở về từ New York sau khi tham dự cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc, Thủ tướng Tsipras cho biết các cuộc đàm phán về vấn đề nợ Hy Lạp đã diễn ra “vô cùng hiệu quả” trong chuyến đi Mỹ vừa qua.

Theo Thủ tướng, nợ là vấn đề quốc tế và một giải pháp mang tính vĩ mô trong vấn đề này có thể tạo ra sự thịnh vượng và phát triển cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, các quan chức Liên minh châu Âu (EU) cũng cảnh báo Hy Lạp không nên kỳ vọng quá nhiều vào việc xóa nợ.

Tuần trước, Klaus Regling, người đứng đầu quỹ cứu trợ trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã chia sẻ với tờ Financial Times rằng Athens không cần thêm một đợt xóa nợ quy mô lớn vì nước này đã nhận được những điều khoản vay ưu đãi nhất "trong lịch sử thế giới."

Theo một nguồn tin từ EU, liên minh này có thể sẽ chấp nhận giới hạn chi phí đi vay hàng năm của Hy Lạp ở mức 15% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) qua hình thức nới rộng kỳ hạn cho vay và thời gian ân hạn nếu cần thiết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục