Hy Lạp khẳng định không đề xuất gia hạn gói cứu trợ với các chủ nợ

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras ngày 10/2 tuyên bố nước ông không thể quay trở lại thời kỳ nhận cứu trợ, cũng như chịu sức ép từ các chủ nợ.
Hy Lạp khẳng định không đề xuất gia hạn gói cứu trợ với các chủ nợ ảnh 1Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Phát biểu trước khi diễn ra cuộc họp các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) thảo luận về tình hình Hy Lạp, ông Tsipras khẳng định chính phủ mới thành lập của ông sẽ không đề xuất gia hạn gói cứu trợ hiện nay, bất chấp sức ép từ Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble.

Theo ông Tsipras, những đề xuất của ông Schaeuble là không hợp lý và chỉ làm tình hình thêm xấu đi. Thủ tướng Hy Lạp khẳng định bất kể Đức đưa ra đề xuất như thế nào, Hy Lạp cũng sẽ không đề nghị gia hạn gói cứu trợ, một thỏa thuận mà ông coi là đẩy Hy Lạp vào tình trạng "sa lầy tài chính" từ năm 2010.

Ông Tsipras phát đi thông điệp với các chủ nợ quốc tế rằng chính phủ của ông sẽ nhất quán với chính sách chống gói cứu trợ, cũng như chống "thắt lưng buộc bụng."

Trước đó, Ngoại trưởng Hy Lạp Nikos Kotzias cũng khẳng định chính phủ mới của nước này muốn dừng gói cứu trợ với EU, song bác bỏ đề xuất Athens có thể tìm kiếm sự trợ giúp của Mỹ, Nga hay Trung Quốc.

Phát biểu với người đồng cấp Đức Frank - Walter Steinmeier tại Berlin, ông Kotzias cho biết Hy Lạp muốn một giải pháp của châu Âu, muốn Athens được đối xử như một đối tác bình đẳng, theo đó cùng nhau tìm kiếm một thỏa thuận thay thế để thúc đẩy tăng trưởng và công bằng xã hội.

Theo kế hoạch, Chính phủ Hy Lạp sẽ công bố kế hoạch 10 điểm nhằm thuyết phục các chủ nợ nới lỏng nghĩa vụ của gói cứu trợ dành cho nước này.

Trong khi đó, chính phủ mới theo đường lối cánh tả của Hy Lạp đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội trước thềm các cuộc đàm phán quan trọng với Liên minh châu Âu (EU) về gói cứu trợ tài chính cho nước này.

Theo tin từ Athens, đa số nghị sỹ trong Quốc hội Hy Lạp gồm 300 ghế đã bỏ phiếu ủng hộ chương trình nghị sự của chính phủ mới, trong đó có việc đàm phán lại về chương trình cứu trợ của EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dành cho quốc gia Nam Âu này từ năm 2010, cũng như giải quyết tình trạng nghèo đói và thất nghiệp do chính sách thắt lưng buộc bụng áp dụng năm năm qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục