Bộ trưởng Nhập cư Hy Lạp Yannis Mouzalas ngày 3/8 đã hối thúc Liên minh châu Âu (EU) lên phương án dự phòng để có thể ứng phó với kịch bản đổ vỡ thỏa thuận giữa liên minh này với Thổ Nhĩ Kỳ về việc ngăn chặn dòng người di cư vào châu Âu.
Trả lời phỏng vấn nhật báo Bild (Tấm gương) của Đức, Bộ trưởng Mouzalas bày tỏ lo ngại về tính bền vững của thỏa thuận được ký hồi tháng 3 này và cho rằng trong bất kỳ trường hợp nào cũng cần lên kế hoạch dự phòng B.
Với đặc điểm địa lý giáp Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp hiện trở thành một trong những cửa ngõ chính để người di cư tìm cách thâm nhập vào châu Âu. Vào lúc cao điểm của cuộc khủng hoảng người di cư vào châu Âu hồi năm ngoái, mỗi ngày có hàng nghìn người tìm kiếm quy chế tị nạn đã đặt chân lên các đảo của Hy Lạp trên vùng biển Aegean, giáp với khu vực bờ biển của Thổ Nhĩ Kỳ.
Dòng người di cư đổ về Hy Lạp đã giảm đáng kể kể từ hồi tháng 3 vừa qua khi EU và Thổ Nhĩ Kỳ ký một thỏa thuận, theo đó Ankara sẽ tiếp nhận lại những người di cư không đủ điều kiện tị nạn ở châu Âu. Đổi lại, EU hỗ trợ tài chính, miễn thị thực nhập cảnh cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ và tiếp nhận những người tị nạn Syria từ Thổ Nhĩ Kỳ theo cơ chế “một đổi một”.
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ đã bị sứt mẻ liên quan việc các nhà lãnh đạo châu Âu chỉ trích chính quyền Ankara “thanh lọc” hơn 60.000 người gồm các tướng lĩnh, binh sĩ, cảnh sát, thẩm phán, công tố viên và nhân viên nhà nước sau vụ đảo chính bất thành hôm 15/7 vừa qua.
Trước đó, ngày 1/8, trả lời phỏng vấn nhật báo "Frankfurter Allgemeine Zeitung" (Toàn cảnh Frankfurt ) của Đức, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cảnh báo Ankara sẽ rút khỏi thỏa thuận về người di cư với EU nếu liên minh này không giữ đúng cam kết miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ.
Cùng ngày, các thành viên trong Ủy ban các vấn đề nhà ở của Anh đã lên tiếng chỉ trích phản ứng chậm chạp của EU trong việc ứng phó với cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Theo đó, Chủ tịch Ủy ban Keith Vaz cho rằng những nỗ lực của EU nhằm tháo gỡ cuộc khủng hoảng này là "tồi tệ” khi liên minh không lường trước được quy mô của dòng người di cư đổ về châu Âu và không hoạch định được các cơ chế cũng như có phương án xây dựng các cơ sở hạ tầng để có thể ứng phó với vấn đề này.
Kể từ đầu năm 2015, khoảng 1,3 triệu người xin tị nạn, chủ yếu trốn chạy khỏi nội chiến tại Syria và Iraq, đã đổ dồn về châu Âu, làm suy giảm nhiều nguồn lực và gây bức xúc đối với người dân của nhiều quốc gia. Những quan ngại xung quanh vấn đề người nhập cư là một trong những lý do khiến người dân Anh bỏ phiếu lựa chọn rời khỏi EU trong cuộc trưng cầu ý dân hôm 23/6 vừa qua./.