Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis ngày 6/3 đã gửi tới Chủ tịch nhóm các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurogroup), ông Jeroen Dijsselbloem, danh mục cập nhật 7 cải cách đầu tiên mà Athens đề nghị, tiến tới việc thực hiện thỏa thuận đã đạt được với Eurogroup hôm 20/2 vừa qua.
Theo nguồn tin chính phủ, ông Varoufakis đã gửi thư yêu cầu khởi động các cuộc đàm phán sắp tới với các chủ nợ quốc tế về "thỏa thuận phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế Hy Lạp" cuối cùng, trước thềm các cuộc họp của Eurogroup, dự kiến diễn ra ngày 9/3 tới tại thủ đô Brussels (Bỉ).
Thỏa thuận cuối cùng sẽ có hiệu lực vào tháng 6 tới, sau khi kết thúc thời gian 4 tháng gia hạn cứu trợ dành cho Athens theo thỏa thuận tài chính đạt được hồi tháng 2.
Danh mục cải cách Hy Lạp đệ trình xem xét trong các cuộc họp của Eurogroup sắp tới bao gồm các biện pháp để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo và cải cách hành chính nhằm đạt mục tiêu tiết kiệm trong chi tiêu nhà nước, giảm tệ quan liêu và cải thiện môi trường kinh doanh.
Danh mục này của Hy Lạp cũng bao gồm các chính sách cải cách hoạt động quản lý thuế để giải quyết vấn nạn trốn thuế, chẳng hạn như việc thành lập một cơ quan đặc biệt của các nhà quản lý thuế.
Hy Lạp cũng đề xuất thành lập một tổ chức nhằm điều tiết trò chơi điện tử hợp pháp và giải quyết các khoản nợ quá hạn đối với quỹ bảo hiểm xã hội và nhà nước trong nỗ lực giảm bớt gánh nặng cho các hộ gia đình và các công ty bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ cuộc suy thoái kinh tế, đồng thời tăng doanh thu.
Trước đó, ngày 20/2, các Bộ trưởng tài chính thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã nhất trí gia hạn gói cứu trợ thứ nhất của Athens thêm 4 tháng nữa với điều kiện Athens phải công bố các cam kết cơ bản về cải cách đúng hạn.
Theo thỏa thuận bắc cầu này, việc giải ngân các khoản cứu trợ dành cho Hy Lạp chỉ được triển khai sau khi hoàn tất việc xem xét các cam kết tài chính của nước này trong tháng Tư tới. Bất chấp các áp lực tài chính, Chính phủ Hy Lạp cam kết sẽ đáp ứng các nghĩa vụ tài chính và nước này sẽ không phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tín dụng.
Hy Lạp đang gặp khó khăn tài chính nghiêm trọng với tổng số nợ của nước này đã lên tới 320 tỷ euro, tương đương 175% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Hiện Hy Lạp đang cần gấp hơn 1,5 tỷ euro để thanh toán một khoản nợ của Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào tháng 3 tới.
Trong khi đó, theo số liệu thống kê vừa công bố, nền kinh tế Hy Lạp vừa suy giảm 0,4% trong quý 4 năm ngoái. Đây là lần đầu tiên, kinh tế Hy Lạp có mức tăng trưởng hàng quý bị âm kể từ khi nước này thoát khỏi cuộc suy thoái kéo dài 6 năm hồi năm ngoái./.