Hy Lạp giải cứu gần 500 người di cư ngoài khơi đảo Crete

Những người di cư, trong đó có 128 trẻ em trai và 9 trẻ em gái, có mặt trên chiếc thuyền đánh cá vô chủ đã phát tín hiệu cấp cứu vào tối 21/11 khi thuyền đang di chuyển về phía Tây Nam đảo Crete.
Hy Lạp giải cứu gần 500 người di cư ngoài khơi đảo Crete ảnh 1Tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hellenic giải cứu người di cư ngoài khơi đảo Crete, Hy Lạp, ngày 29/10/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 24/11, lực lượng bảo vệ bờ biển của Hy Lạp cho biết gần 500 người di cư được giải cứu ngoài khơi đảo Crete đã tạm thời được chuyển sang một chiếc phà để chờ thực hiện các thủ tục tiếp theo.

Người phát ngôn của lực lượng bảo vệ bờ biển Hy Lạp xác nhận có tổng cộng 483 người di cư là công dân các nước Syria, Ai Cập, Pakistan, Palestine và Sudan.

Những người di cư này, trong đó có 128 trẻ em trai và 9 trẻ em gái, có mặt trên chiếc thuyền đánh cá vô chủ đã phát tín hiệu cấp cứu vào tối 21/11 khi thuyền đang di chuyển về phía Tây Nam đảo Crete.

[Người di cư bất hợp pháp vào Liên minh châu Âu tăng mạnh]

Nhận được tin báo của một số tàu thuyền, Hải quân Hy Lạp đã điều động một tàu khu trục tiếp cận khu vực này. Tuy nhiên, gió mạnh đã cản trở các nỗ lực giải cứu.

Phải mất tới nửa ngày 22/11, chiếc thuyền đánh cá dài 25m này mới có thể được lai dắt an toàn đến Palaiochora, thị trấn nhỏ ven biển trên đảo Crete.

Tới tối 23/11, toàn bộ người di cư nói trên đã được chuyển sang một chiếc phà của Hy Lạp.

Hiện lực lượng chức năng đang tiến hành các thủ tục liên quan những trường hợp này, song quá trình xử lý diễn ra chậm do số lượng người quá lớn.

Giới chức Hy Lạp cho biết Athens sẽ ngay lập tức đề nghị các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) chia sẻ việc tiếp nhận những người di cư xin tị nạn này.

Theo các quan chức Hy Lạp, do lực lượng bảo vệ bờ biển của nước này và Cơ quan biên phòng châu Âu (Frontex) tăng cường các biện pháp giám sát trên Biển Aegea nên các đối tượng tội phạm đang mở rộng hoạt động đưa người người di cư vượt biên trái phép theo tuyến đường dài hơn và nguy hiểm hơn ở phía Nam đảo Crete.

Hiện Hy Lạp, Italy và Tây Ban Nha là 3 trong số những quốc gia mà người di cư từ châu Phi và Trung Đông thường liều lĩnh tìm đường tới nhằm tìm kiếm cuộc sống an toàn và tốt đẹp hơn tại châu Âu.

Theo thống kê của Tổ chức Di trú Quốc tế (IOM), đã có gần 2.000 người di cư đã thiệt mạng và mất tích trên biển Địa Trung Hải kể từ đầu năm 2022 đến nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục