Rạng sáng 10/7 (theo giờ Hà Nội), Chính phủ Hy Lạp đã trình kế hoạch cải cách kinh tế theo hướng gần như đáp ứng toàn bộ yêu cầu của các chủ nợ về việc thực hiện các biện pháp thắt chặt chi tiêu để đổi lấy gói cứu trợ.
Động thái này làm dấy lên hy vọng một thỏa thuận giải cứu Hy Lạp sẽ được ký kết tại cuộc họp khẩn cấp của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) ngày 12/7 tới.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, một quan chức Chính phủ Hy Lạp cho biết đề xuất của Hy Lạp bao gồm cả các yêu cầu trợ giúp tài chính cho Hy Lạp trong 3 năm, cơ cấu lại nợ cho nước này và một gói đầu tư trị giá 35 tỷ euro.
Chính phủ Hy Lạp cũng công bố chi tiết của kế hoạch cải cách mới dài 13 trang, bao gồm một loạt cải cách và cắt giảm chi tiêu công trị giá 13 tỷ euro để đổi lấy gói cứu trợ thứ ba từ các chủ nợ và cho phép nước này vẫn ở lại trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Chính phủ Hy Lạp cũng nhất trí với yêu cầu của các chủ nợ về việc không khuyến khích người lao động về hưu sớm, đồng thời tăng thuế doanh thu lên mức 1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Nội các Hy Lạp đã thông qua gói cải cách và cắt giảm chi tiêu công nói trên sau khi các bộ trưởng đều thừa nhận rằng tình trạng nguy cấp của nền kinh tế và nguy cơ các ngân hàng phá sản khiến họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận hầu hết các điều kiện của các chủ nợ quốc tế.
Truyền thông Hy Lạp dẫn lời Thủ tướng Alexis Tsipras nói "Chúng tôi sẵn sàng thỏa hiệp."
Kế hoạch của Hy Lạp sẽ được các thiết chế giám sát chương trình giải cứu nước này xem xét trước khi được đưa ra thảo luận tại cuộc họp bộ trưởng tài chính các nước Eurozone vào ngày 11/7. Khi đó, các bộ trưởng sẽ quyết định liệu kế hoạch đã đáp ứng các điều kiện để tiến hành thương lượng về một gói cứu trợ thứ ba cho Hy Lạp hay không.
Theo giới quan sát, các ngân hàng Hy Lạp sẽ đối mặt sự phá sản vào đầu tuần tới nếu như nước này không đạt được thỏa thuận với các chủ nợ vào cuối tuần này./.