Hy Lạp đánh giá cao thỏa thuận kết thúc chương trình cứu trợ

Thủ tướng Hy Lạp đánh giá cao thỏa thuận của các bộ trưởng tài chính Eurozone về việc sẽ kết thúc chương trình cứu trợ tài chính dành cho nước này tám năm qua như một bước đi mang tính “lịch sử.”
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras. (Nguồn: THX/TTXVN)

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras ngày 22/6 đánh giá cao thỏa thuận của các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) về việc sẽ kết thúc chương trình cứu trợ tài chính dành cho nước này tám năm qua như một bước đi mang tính “lịch sử.”

Ông Tsipras cam kết “Hy Lạp sẽ từng bước thay thế các biện pháp thắt lưng buộc bụng” song cũng lưu ý rằng người dân Hy Lạp mới chỉ “giành chiến thắng trong một trận chiến chứ không phải cả cuộc chiến.”

Còn theo Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Euclid Tsakalotos, “Chính phủ Hy Lạp vui mừng với thỏa thuận trên song đất nước cần phải đảm bảo rằng người dân sẽ nhanh chóng thấy được kết quả thực tế cũng như sự thay đổi về thu nhập của họ.”

Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tỏ ý hoan nghênh thỏa thuận trên nhưng cảnh báo Hy Lạp vẫn cần chú trọng tới vấn đề nợ vay trong dài hạn. Về phần mình, Tổng thống Pháp cũng đánh giá cao thỏa thuận “rất tích cực” kể trên và cho rằng điều này cho thấy “châu Âu đang tiến lên,” bất chấp những khó khăn gần đây.

[Hy Lạp tuyên bố bước sang trang mới sau khủng hoảng nợ]

Trước đó, các bộ trưởng tài chính Eurozone đã tuyên bố cuộc khủng hoảng nợ tại Hy Lạp đã chấm dứt khi nhất trí giảm nợ và giải ngân khoản cuối cùng trong gói cứu trợ thứ ba trị giá 86 tỷ euro.

Hy Lạp dự kiến sẽ rời khỏi chương trình cứu trợ vào ngày 20/8 tới. Thỏa thuận nêu trên là một bước ngoặt quan trọng đối với khu vực Eurozone sau gần một thập niên kể từ cuộc khủng hoảng tại Hy Lạp đã khiến thế giới choáng váng vì những khoản chi tiêu vượt tầm kiểm soát. Chính cuộc khủng hoảng này đã dẫn đến ba gói cứu trợ và từng đẩy khu vực đồng euro đến bên bờ vực sụp đổ.

Hy Lạp đã phải thực hiện nhiều biện pháp cải cách và "thắt lưng buộc bụng" bị người dân phản đối để đổi lấy ba gói cứu trợ với tổng trị giá lên tới 273 tỷ euro từ Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Song những cải cách nghiêm ngặt này đã trở thành một “tảng đá” đè nặng lên Hy Lạp khi nền kinh tế nước này suy giảm còn tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục