Hy Lạp chính thức lập quan hệ đối tác cải cách với OECD

Ngày 12/3, Hy Lạp thông báo chính thức lập quan hệ đối tác với OECD để soạn thảo những cải cách kinh tế nhằm xây dựng lòng tin với chủ nợ.
Hy Lạp chính thức lập quan hệ đối tác cải cách với OECD ảnh 1Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras trong cuộc họp báo tại Hội nghị thượng đỉnh Hội đồng châu Âu ở Brussels ngày 12/2. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 12/3, Chính phủ Hy Lạp thông báo đã chính thức thiết lập quan hệ đối tác với Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) để soạn thảo những cải cách kinh tế mà Thủ tướng nước này Alexis Tsipras khẳng định có thể giúp xây dựng lại lòng tin với các chủ nợ quốc tế.

Phát biểu trong cuộc họp báo tại trụ sở OECD ở thủ đô Paris của Pháp với sự có mặt của ông Tsipras, Tổng Thư ký OECD Angel Gurria xác nhận hai bên đã ký văn kiện về tăng cường hợp tác và thảo luận một loạt cải cách liên quan các vấn đề thuế, chống tham nhũng, tăng việc làm và giải thể những thể chế đang kìm hãm nền kinh tế Hy Lạp.

Ông Gurria nhấn mạnh việc thiết lập quan hệ đối tác mới không đồng nghĩa OECD sẽ thay thế các đối tác quốc tế khác của Hy Lạp; đồng thời khẳng định OECD đã cam kết cung cấp cho Athens sự hỗ trợ kỹ thuật cần thiết để những cải cách này được thực hiện một cách hiệu quả về tài chính và xã hội.

Ông Tsipras cho rằng làm việc với OECD về chương trình cải cách sẽ là "tấm hộ chiếu" để Hy Lạp tạo dựng lòng tin với các đối tác của mình.

Ông khẳng định đã đến lúc không thể né tránh thực tế rằng Hy Lạp đang rơi vào khủng hoảng nhân đạo và đất nước này không thể trụ được với vấn đề nợ công.

Theo ông Tsipras, sau 5 năm suy thoái kinh tế và khủng hoảng xã hội, Hy Lạp vẫn ở trong tình trạng kiệt quệ về kinh tế và Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cũng thiệt hại từ cuộc khủng hoảng nợ công của Hy Lạp.

Trong tháng này, Chính phủ Hy Lạp phải huy động được khoảng 6 tỷ euro (khoảng 7 tỷ USD) để thanh toán những khoản nợ đáo hạn, bao gồm 1,5 tỷ euro nợ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Trong khi đó, Hy Lạp không được giải ngân 7 tỷ euro cuối cùng trong chương trình cứu trợ trị giá 240 tỷ euro mà Liên minh châu Âu (EU) và IMF dành cho nước này do chưa hoàn tất nhiều cải cách đã cam kết và do Athens ngừng một số dự án tư nhân hóa quan trọng, một trong những điều kiện phải thực hiện để được nhận cứu trợ.

Trong bối cảnh trên, Chính phủ Hy Lạp cùng ngày tuyên bố có thể siết chặt hệ thống lương và an sinh để có tiền thanh toán nợ. Bộ Tài chính sẽ đề nghị Quốc hội cho phép thu tiền từ các nguồn dự trữ của các tổ chức nhà nước với sự đảm bảo của chính phủ về rủi ro thiệt hại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục