Hy Lạp bắt giữ một tàu chở nguyên liệu nổ mang cờ hiệu Tanzania

Tàu Andromeda chở theo 29 container, trong đó có chứa nhiều kíp nổ, ammonium nitrate và một loại keo đặc biệt có thể được sử dụng để chế tạo bom cũng như cho các hoạt động khủng bố khác.
Số nguyên liệu bị thu giữ. (Nguồn: maritimebulletin.net)

Lực lượng bảo vệ bờ biển Hy Lạp vừa bắt giữ một tàu chở các nguyên liệu nổ mang cờ hiệu Tanzania ở ngoài khơi đảo Crete khi chiếc tàu này được cho là trên đường đến Libya.

Nhà chức trách Hy Lạp ngày 10/1 cho biết chiếc tàu nói trên, có tên là Andromeda, khởi hành từ Thổ Nhĩ và chở theo 29 container, trong đó có chứa nhiều kíp nổ, ammonium nitrate và một loại keo đặc biệt. Những nguyên liệu này có thể được sử dụng để chế tạo bom cũng như cho các hoạt động khủng bố khác.

Toàn bộ thủy thủ đoàn gồm tám thành viên, trong đó có năm người Ukraine, hai người Ấn Độ và một người Albania, đã bị giam giữ và dự kiến sẽ được đưa đến Cơ quan Công tố Hy Lạp trong ngày 11/1.

[Hàn Quốc giữ tàu Panama bị nghi chuyển dầu cho Triều Tiên]

Theo hồ sơ lưu trữ của tàu Andromeda, lượng hàng hóa nói trên được bốc xếp lên tàu tại hai cảng Mersin và Iskenderun ở Thổ Nhĩ Kỳ và điểm đến được ấn định là Djibouti và Oman.

Tuy nhiên, lực lượng bảo vệ bờ biển Hy Lạp khẳng định họ đã nắm được thông tin rằng chủ tàu đã chỉ thị viên thuyền trưởng đưa số hàng hóa này đến thành phố Misrata ở Libya. Ngoài ra, trong bản đồ hải trình của tàu cũng không thể hiện các vùng biển ở Djibouti và Oman.

Liên minh châu Âu (EU) cũng như Liên hợp quốc đều đã áp đặt các lệnh cấm buôn bán, cung cấp hoặc vận chuyển vũ khí đến Libya kể từ năm 2011.

Libya rơi vào bất ổn sau cuộc chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Moammar Gadhafi hồi năm 2011. Quốc gia này bị chia rẽ thành hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng. Một hiệp định do Liên hợp quốc làm trung gian được ký kết tại Maroc hồi cuối năm 2015 đã giúp thành lập GNA trong một năm và chỉ được gia hạn thêm một lần.

Tuy vậy, trên thực tế, Libya vẫn bị chia rẽ, với GNA có trụ sở tại Tripoli do Thủ tướng Sarraj lãnh đạo và một chính quyền đối lập do Tướng Haftar hậu thuẫn đóng tại miền Đông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục