Cách Thủ đô Hà Nội hơn 60km, huyện Thanh Thủy (tỉnh Phú Thọ) có vị trí sơn thủy hữu tình khi nằm dọc Núi Tản, Sông Đà, gắn với truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh.
Được thiên nhiên ban tặng nguồn tài nguyên du lịch quý giá là nước khoáng nóng cùng với những giá trị văn hóa độc đáo, Thanh Thủy trở thành điểm nghỉ dưỡng lý tưởng cho du khách, mở ra nhiều cơ hội để du lịch bứt phá.
Tinh hoa nghỉ dưỡng Đất Tổ
Đến Thanh Thủy những ngày này, du khách sẽ được hòa mình vào bầu không khí náo nhiệt, rực rỡ sắc màu, lung linh, huyền ảo, chuẩn bị cho Tuần Du lịch-Mùa Thu 2023 với chủ đề “Du lịch Thanh Thủy-Tinh hoa nghỉ dưỡng vùng Đất Tổ.”
Ông Dương Quốc Lâm, Chủ tịch huyện Thanh Thủy, cho biết xuyên suốt thời gian diễn ra sự kiện Tuần Du lịch, huyện tổ chức không gian đi bộ gắn với trưng bày, quảng bá sản phẩm du lịch, sản phẩm OCOP gắn với nhiều hoạt động hấp dẫn khác.
Mở đầu cho chuỗi các hoạt động là Lễ Đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và chương trình nghệ thuật với những tiết mục được dàn dựng công phu nhằm tạo ấn tượng cho du khách, người dân đến tham gia; đặc biệt, màn pháo hoa đặc sắc chào mừng Quốc khánh 2/9 và Tuần Du lịch-Mùa Thu 2023 sẽ được trình diễn vào tối 31/8.
Tiếp đến, từ tối 1-2/9, tại sân khấu đường đôi đối diện cầu Đảo Ngọc Xanh sẽ diễn ra chương trình giao lưu văn nghệ quần chúng với các tiết mục hát múa, kịch, trò chơi dân gian… dự kiến thu hút từ 200.000-300.000 lượt khách du lịch.
Dịp này, huyện Thanh Thủy sẽ giới thiệu, quảng bá, phô diễn những những tinh hoa hội tụ của du lịch nghỉ dưỡng tại tổ hợp nghỉ dưỡng cao cấp 5 sao Wyndham Thanh Thủy; các dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp của Vườn Vua, Đảo Ngọc Xanh, Thanh Thủy Resort, Bamboo, Tre Nguồn, Thanh Lâm Resort…
Tham gia Tuần Du lịch, du khách sẽ được hòa mình trong dòng khoáng nóng tự nhiên kết hợp với những tinh chất của dược liệu quý; được trải nghiệm bến du thuyền, nhà hàng dịch vụ Buffet, trung tâm lễ hội Festival Hoa Sen Quốc tế, con đường tình yêu, vườn hoa bốn mùa và rất nhiều các khu vực check-in lý tưởng.
Đồng thời, du khách còn được thưởng thức văn hóa ẩm thực bốn mùa đặc sắc, nổi tiếng như cá lăng sông, cỗ lá, rượu cần của người Mường Tu Vũ…
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Thủy Dương Quốc Lâm cho biết thêm để đạt được mục tiêu đưa du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trung tâm du lịch nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế, trước tiên phải định vị được hình ảnh du lịch cho từng giai đoạn phát triển để phấn đấu, đánh giá đúng hiện trạng và khơi dậy tiềm năng, lợi thế để bứt phá đi lên.
Song song với đó, Thanh Thủy đẩy mạnh khai thác tiềm năng, lợi thế của du lịch; coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, người lao động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, đi đôi với nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp trong việc giao tiếp, ứng xử với du khách.
[Phú Thọ: Bảo tồn, phát huy phong tục cúng Tết cơm mới của người Mường]
Huyện tập trung đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, liên kết, hợp tác phát triển du lịch, mở rộng thị trường nội địa và quốc tế; ưu tiên các vị trí tiềm năng để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, có năng lực, tiềm lực tài chính đầu tư các dự án quy mô lớn, cao cấp, nhằm đa dạng hóa, tăng tính hấp dẫn, tạo động lực cho du lịch phát triển…
Hiện nay, huyện Thanh Thủy có trên 3.000 phòng nghỉ dưỡng sang trọng theo tiêu chuẩn quốc tế (5 sao). Đây sẽ là điểm “đột phá” để thúc đẩy du lịch Thanh Thủy phát triển lên tầm cao mới, đẳng cấp quốc tế như: khu nghỉ dưỡng cao cấp Wyndham Thanh Thủy; dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp Vườn Vua và nhiều khu nghỉ dưỡng khác như Đảo Ngọc Xanh, Thanh Thủy Resort, Bamboo, Tre Nguồn…
Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ, huyện Thanh Thủy là một trong năm trung tâm du lịch trọng điểm phát triển du lịch của tỉnh. Với tiềm năng du lịch sinh thái nước khoáng nóng, Thanh Thủy rất thuận lợi để phát triển loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe cao cấp.
Huyện Thanh Thủy được định hướng để phát triển loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp; đặc biệt một số khu điểm du lịch trên địa bàn huyện tăng cường công tác liên kết từ khu điểm du lịch trong và ngoài tỉnh để hình thành tour, tuyến du lịch chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách mỗi khi tới huyện Thanh Thủy…
Cơ hội để du lịch “cất cánh”
Với những tiềm năng, thế mạnh của địa phương, huyện Thanh Thủy đang đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch, tạo ra những sản phẩm du lịch đa dạng, giúp các doanh nghiệp trong huyện liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, các tour, tuyến kết nối các điểm du lịch trên địa bàn huyện để từng bước đưa Thanh Thủy trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.
Trong 5 năm qua, huyện đã thu hút đầu tư cho phát triển du lịch với số vốn hơn 7.000 tỷ đồng; doanh thu du lịch, dịch vụ, kinh doanh khách sạn, nhà hàng... đạt hơn 720 tỷ đồng; thu hút hơn 2,2 triệu lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng (trong đó khách lưu trú ước đạt 317.000 lượt người); tạo việc làm ổn định cho khoảng 16.000 lao động trực tiếp và gián tiếp...
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thanh Thủy lần thứ 26 nhiệm kỳ 2020-2025 xác định du lịch là khâu đột phá, xây dựng huyện thành vùng trọng điểm du lịch, trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng của tỉnh.
Đồng thời, gắn phát triển du lịch với xây dựng nông thôn mới, chú trọng hình thành các sản phẩm du lịch; bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, bảo vệ môi trường, các nguồn tài nguyên phục vụ cho du lịch.
Huyện Thanh Thủy phấn đấu đến năm 2025, thu hút hơn 1,5 triệu lượt khách/năm; doanh thu đạt hơn 1.000 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho khoảng 18.000 lao động.
Đến năm 2030, Thanh Thủy trở thành huyện du lịch, trung tâm du lịch của tỉnh Phú Thọ với 2,5 triệu lượt khách/năm, doanh thu đạt gần 1.800 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 30.000 lao động.
Ông Dương Quốc Lâm, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Thủy, cho biết những năm qua, huyện đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt khâu đột phá về phát triển du lịch trên địa bàn.
Huyện đã triển khai nhiều giải pháp như: tuyên truyền, quảng bá, hợp tác xúc tiến và phát triển thị trường; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao, gắn với xây dựng thương hiệu du lịch Thanh Thủy… Nhờ đó, đến nay du lịch Thanh Thủy đã có những bước phát triển mạnh mẽ.
Huyện đã xây dựng được ba vùng không gian du lịch gồm: Vùng du lịch văn hóa tâm linh, lễ hội truyền thống; vùng du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng ẩm thực; và vùng du lịch trải nghiệm, giáo dục truyền thống về cội nguồn.
Trong thời gian tới, huyện tiếp tục rà soát, bổ sung và quản lý quy hoạch về phát triển du lịch; đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển du lịch và dịch vụ du lịch.
Thanh Thủy thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị, nét đặc sắc của một số lễ hội, nghi thức truyền thống để hình thành điểm du lịch văn hóa, trải nghiệm; xây dựng các địa điểm trưng bày, giới thiệu các sản vật đặc trưng, sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn OCOP của huyện, tỉnh tại khu điểm du lịch.
Đồng thời, huyện xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, các tour, tuyến kết nối các điểm du lịch, tạo cơ hội để du lịch Thanh Thủy thực sự “cất cánh.”./.