Hủy kết quả trúng tuyển các thí sinh liên quan gian lận điểm thi

Hiện, 12 thí sinh liên quan đến gian lận điểm thi nhưng vẫn đang theo học tạị các trường đại học, nếu kết quả điều tra xác nhận có vi phạm, nhà trường sẽ phải hủy kết quả trúng tuyển của các em này.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Trong vụ gian lận điểm thi tại Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2018, tổng số có 222 thí sinh bị phát hiện gian lận, trong đó có 114 thí sinh ở Hà Giang, 64 thí sinh ở Hòa Bình và 44 thí sinh ở Sơn La.

Liên quan đến việc xử lý thí sinh vi phạm, Thiếu tướng Bùi Minh Giám, Cục trưởng Cục Đào tạo, Bộ Công an cho biết Bộ Công an đã bàn giao 53 thí sinh có điểm gian lận về đơn vị sơ tuyển tại Sơn La, Hòa Bình và xử lý theo quy định.

Tất cả các thí sinh gian lận trong thi cử đều bị buộc thôi học dù điểm chấm thẩm định lại vẫn đủ điều kiện. Bởi đối với việc đào tạo lực lượng vũ trang cho đất nước, đòi hỏi đầu tiên là phải có phẩm chất đạo đức. Việc gian lận điểm thi thể hiện sự gian dối, thiếu trung thực, cần xử lý nghiêm.

Trong khi đó, với các trường khối dân sự, 12 thí sinh có điểm chấm thẩm định đủ điểm xét tuyển của năm 2018 vẫn đang được học tiếp.

Đại diện nhiều trường cho rằng, do lỗ hổng của quy chế thi Trung học Phổ thông quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2018 chỉ có chế tài xử lý thí sinh vi phạm trực tiếp chứ chưa có chế tài xử lý thí sinh gian lận điểm thi tại khâu chấm thi.

Điều này dẫn đến hệ lụy, thí sinh gian lận bị hạ điểm thi nhưng vẫn đủ điểm trúng tuyển vào trường đại học đang theo học vẫn được học.

Đây là vấn đề khiến dư luận băn khoăn bởi khi thí sinh có hành vi gian lận thi (trực tiếp hay gián tiếp) đều phải xử lý như nhau.

Phó giáo sư-tiến sỹ Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng: "Những vi phạm liên quan đến việc sửa điểm thi là đặc biệt nghiêm trọng. Quan điểm của tôi là mọi người đều phải bình đẳng trước pháp luật, ai vi phạm đều phải xử lý nghiêm để lấy lại niềm tin với các thí sinh khác và với xã hội. Bởi các thí sinh có liên quan đến gian lận điểm thi vừa qua hiện đang theo học tại nhiều trường đại học, nếu không bị phát hiện, sau này họ sẽ trở thành người đại diện cho công lý, giữ gìn pháp luật hoặc trở thành nhà giáo. Đây là những nghề không chỉ đòi hỏi năng lực mà còn đòi hỏi cao về phẩm chất, đạo đức. Trung thực là yếu tố quan trọng cần phải được nhấn mạnh từ khi học phổ thông cho đến khi vào giảng đường đại học."

[Khởi tố 3 giáo viên chấm thi trong vụ gian lận điểm tại Hòa Bình]

Đồng quan điểm trên, thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Lê Quý Đôn (Hà Nội) chia sẻ, những thí sinh được nâng điểm trong kỳ thi vừa qua không nên cho học tiếp mà phải buộc thôi học.

Ngành Giáo dục cần mạnh dạn xử lý những trường hợp này để làm gương. Các em đã hoàn thành bậc học Trung học Phổ thông nghĩa là đã đủ tuổi để nhận trách nhiệm và cần có bản lĩnh để đối diện với vấn đề này.

Theo giáo sư Phạm Tất Dong, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, dư luận đang rất bức xúc nên cách duy nhất là cần xử lý nghiêm các cá nhân có liên quan. Đây cũng được coi là một mặt trận chống tham nhũng, sai trái, tiêu cực, không thể có vùng cấm trong xử lý.

Việc gian lận không chỉ lấy mất cơ hội của nhiều người có tài mà còn gây nguy hại lâu dài cho đất nước.

Trước những băn khoăn của dư luận về việc xử lý các thí sinh này, về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết các trường hợp gian lận điểm thi Trung học Phổ thông quốc gia là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến ngành Giáo dục cũng như toàn xã hội.

Quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo là quyết tâm cùng các cơ quan chức năng xử lý sai phạm thật nghiêm túc, khách quan, đảm bảo công bằng cho các thí sinh khác.

Vừa qua, hầu hết những thí sinh liên quan đến sai phạm điểm thi bị giảm điểm sau chấm thẩm định đã bị hủy kết quả trúng tuyển. Trong đó, có thí sinh dù vẫn đủ điểm trúng tuyển vào trường Công an, Quân đội nhưng cũng bị trường ở các bộ, ngành này quyết định hủy kết quả trúng tuyển. Bà Phụng cho biết rất hoan nghênh cách xử lý này.

Với 12 thí sinh liên quan đến gian lận điểm thi nhưng vẫn đang theo học tại các trường đại học, theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, những thí sinh này có thể đã đăng ký xét tuyển bằng phương thức khác như học bạ hoặc bằng các tổ hợp xét tuyển không liên quan đến điểm gian lận hay liên quan đến điểm gian lận nhưng sau khi chấm thẩm định vẫn đủ điểm trúng tuyển.

Tạm thời, các trường có thể chưa xử lý những thí sinh này cho đến khi có kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra. Nếu kết luận điều tra xác định các thí sinh đó có liên quan đến vi phạm điểm thi, nhà trường sẽ phải hủy kết quả trúng tuyển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục