Ngày 3/11, tại thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái), Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Lễ phát động huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong ngành giáo dục.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc cho biết triển khai thực hiện Quyết định số 588 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Vận động các nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoan 2019-2025.” Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, trong đó có Lễ phát động này.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh, trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi nói chung, trẻ em các xã đặc biệt khó khăn nói riêng là đối tượng cần được xã hội quan tâm đặc biệt bởi gia đình các em phần lớn là hộ nghèo và hộ cận nghèo.
Điều kiện và kinh tế gia đình hỗ trợ việc học tập, chăm sóc và vui chơi của các em còn rất hạn chế. Nhiều em có nguy cơ phải nghỉ học khi gia đình gặp khó khăn đột xuất.
Để các em có cơ hội học tập và phát triển, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, công tác chăm lo cho trẻ em vùng khó khăn rất cần sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân.
[Từ ngày 1/7, học sinh mầm non 5 tuổi vùng khó khăn được miễn học phí]
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố cần tăng cường phối hợp với các cấp, ngành địa phương tổ chức vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ các nhà trường, trẻ em và học sinh tại các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi; khuyến khích, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo đúng quy định của pháp luật…
Là tỉnh miền núi có đông đồng bào dân tộc, học sinh dân tộc thiểu số chiếm trên 60%, điều kiện kinh tế khó khăn, thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã quan tâm, dành nguồn lực chăm lo đến sự nghiệp phát triển giáo dục, đặc biệt là việc chăm lo, phát triển giáo dục và đào tạo ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi.
Cùng với việc triển khai thực hiện các chính sách của Trung ương, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách rất thiết thực với tổng các nguồn vốn đầu tư cho giáo dục-đào tạo giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn đạt trên 3.100 tỷ đồng, trong đó đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa trên 1.900 tỷ đồng.
Tuy vậy, Yên Bái vẫn còn gặp nhiều khó khăn như còn 250 phòng học tạm (chiếm 3,9%), 278 điểm trường lẻ và thiếu khoảng 600 phòng ở cho học sinh bán trú.
Các điều kiện sinh hoạt của học sinh bán trú, học sinh các xã đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu tối thiểu.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Yên Bái Vũ Thị Hiền Hạnh, phát động cuộc vận động các nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi là hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, Yên Bái sẽ đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền đến các cấp ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tích cực hưởng ứng tham gia, cùng chung tay chăm lo đến sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo nói chung và trẻ em các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số, miền núi nói riêng.
Yên Bái mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm từ bộ, ngành Trung ương và những tấm lòng hảo tâm, sự sẻ chia của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp để giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, học sinh vùng dân tộc thiểu số và miền núi được học tập trong điều kiện tốt hơn.
Tại lễ phát động, một số đơn vị, doanh nghiệp đã trao khoản hỗ trợ gồm 150 triệu đồng, 7 bộ máy tính và các trang thiết bị phục vụ học tập, sinh hoạt cho trường học thuộc các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của tỉnh Yên Bái./.