Chiều 9/3, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia chấm dứt bệnh lao chủ trì cuộc họp của Ủy ban về công tác phòng, chống lao thời gian tới.
Tại cuộc họp, các thành viên Ủy ban Quốc gia chấm dứt bệnh lao thảo luận về thực trạng, mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 trước tình hình dịch tễ bệnh biến chuyển tốt.
Hằng năm, hệ thống y tế Việt Nam phát hiện, đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao mới, đạt tỷ lệ 57%; còn 43% số người mắc mới chưa được phát hiện trong cộng đồng.
Với chương trình chống lao hiện nay, năm 2015, Việt Nam là một trong số 9 nước trên thế giới đạt mục tiêu phát triển thiên niên kỷ ở cả 3 chỉ số là đang mắc, mới mắc và tử vong do lao.
So với con số 56% trên toàn cầu, tỷ lệ khỏi bệnh lao tại Việt Nam duy trì ở mức cao, trên 90% đối với bệnh nhân mắc lần đầu, 75% bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn và 80% bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ ngắn hạn.
Chương trình triển khai chiến lược “2X” (Xquang-Xpert) vào phát hiện chủ động đạt hiệu quả cao gấp 7 lần so với phát hiện thụ động hiện nay.
Năm 2018, theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam có thêm 174.000 người mắc lao, khoảng 11.000 người chết do lao và khoảng 2.200 người HIV tử vong do lao.
[Quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia về chấm dứt bệnh Lao]
Đến nay, cả nước có 51 bệnh viện chuyên khoa, trong đó 48 bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh có thể nhanh chóng áp dụng tốt các kỹ thuật can thiệp mới được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo.
Sau khi được chẩn đoán mắc lao, bệnh nhân sẽ được điều trị miễn phí thuốc chống lao đối với tất cả các thể. Nhờ vậy, tỷ lệ tử vong của bệnh nhân được phát hiện, điều trị thuộc Chương trình Chống lao Quốc gia năm 2018 là khoảng 2%; các trường hợp tử vong do không được phát hiện và điều trị kịp thời là khoảng 9%.
"Chương trình chống lao của Việt Nam được thế giới đánh giá là mô hình bước vào con đường chấm dứt bệnh lao," Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương Nguyễn Viết Nhung nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, dịch tễ bệnh lao có chuyển biến tốt nhưng mức độ giảm còn chậm, đạt trung bình 3,8%/năm, trong khi yêu cầu đặt ra cho giai đoạn 2017-2025 là 9%/năm, giai đoạn 2025-2030 là 15%/năm.
Các vấn đề như đảm bảo tính bền vững, nguồn thuốc điều trị, sự vào cuộc và hưởng ứng của cộng đồng là một trong những thách thức của Chương trình Chống lao Quốc gia hiện nay.
Các thành viên Ủy ban Quốc gia cho rằng vấn đề đặt ra với các lực lượng chức năng là phải phát hiện sớm những người nhiễm lao mới với tinh thần “không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành y tế, cần sự vào cuộc của cả cộng đồng."
Chương trình Chống lao Quốc gia cần chú trọng các nhiệm vụ như: áp dụng tối ưu các công cụ hiện có, kết hợp công tác bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân và bảo trợ xã hội; nhanh chóng mở rộng áp dụng công cụ chẩn đoán mới, thuốc mới, vaccine mới, cách tiếp cận can thiệp mới…, nhằm phát hiện, điều trị sớm ca nhiễm lao, cắt đứt nguồn lây, điều trị những người có nguy cơ tiến triển thành bệnh lao.
Tại cuộc họp, các thành viên Ủy ban Quốc gia thống nhất mục tiêu chung Chương trình hành động quốc gia: cơ bản chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 để người dân Việt Nam được sống trong môi trường không còn bệnh lao.
Cụ thể, giai đoạn hết năm 2020, mục tiêu so với năm 2017 sẽ giảm 20% tỷ lệ người mới mắc bệnh lao trong cộng đồng; giảm 40% số người chết do bệnh lao; khống chế số người mắc bệnh lao kháng đa thuốc với tỷ lệ dưới 5% trong tổng số người bệnh lao mới phát hiện. Đồng thời, giảm 50% số gia đình chịu gánh nặng chi phí thảm họa do bệnh lao gây ra.
Tương tự, giai đoạn đến 2025, giảm 70% tỷ lệ người mới mắc bệnh lao trong cộng đồng; giảm 75% số người chết do bệnh lao; khống chế số người mắc bệnh lao kháng đa thuốc với tỷ lệ dưới 5% trong tổng số người bệnh lao mới phát hiện; giảm 75% số gia đình chịu gánh nặng chi phí thảm họa do bệnh lao gây ra.
So với năm 2017, giai đoạn đến 2030 đặt mục tiêu giảm 90% tỷ lệ người mới mắc bệnh lao trong cộng đồng; giảm 95% số người chết do bệnh lao; khống chế số người mắc bệnh lao kháng đa thuốc với tỷ lệ dưới 5% trong tổng số người bệnh lao mới phát hiện; không còn gia đình chịu gánh nặng chi phí thảm họa do bệnh lao gây ra.
Các thành viên Ủy ban Quốc gia chấm dứt bệnh lao cũng thống nhất chủ đề Ngày Thế giới phòng, chống lao 24/3/2020 là “Biến hiểm họa COVID-19 thành cơ hội để Việt Nam chấm dứt bệnh lao vào năm 2030," nhằm kêu gọi người dân chung tay, tích cực trong phòng, chống bệnh lao.
Cũng tại cuộc họp, các thành viên Ủy ban thống nhất cần tăng cường các nhóm giải pháp chiến lược, đổi mới mang tính đột phá về chính sách pháp luật; tổ chức mạng lưới, nguồn nhân lực; phối hợp hành động đa ngành; dịch vụ kỹ thuật; tài chính hậu cần; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và tăng cường thông tin, giáo dục, truyền thông sâu rộng trong cộng đồng.
Các ý kiến đồng ý đề xuất, hàng năm, các trường Trung học phổ thông trên cả nước nên có hoạt động giới thiệu về các chương trình bảo vệ sức khỏe, phòng bệnh, đặc biệt các bệnh truyền nhiễm, qua đó hướng tới mục tiêu nâng cao ý thức người dân, tham gia phòng chống tiêm chủng và có ứng xử phù hợp với các dịch bệnh./.